Thanh Hóa: Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số

(Chinhphu.vn) - Cần phải đặc biệt coi trọng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào.

Đó là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Đề án "Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030", được tổ chức mới đây.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỉ lệ lớn nhất, cùng với đó là 6 dân tộc thiểu số: Dân tộc Mường (401.967 người), dân tộc Thái (258.506 người), dân tộc Mông (19.166 người), dân tộc Thổ (12.675 người), dân tộc Dao (6.551 người), dân tộc Khơ Mú (1.024 người) sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía tây của tỉnh. Mỗi dân tộc đều mang những nét đặc trưng riêng về văn hóa tạo nên giá trị và bản sắc văn hoá xứ Thanh, rất cần được bảo tồn và phát huy.

Dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng sự bùng nổ của khoa học-công nghệ, sự giao lưu văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức to lớn. Các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc đang có nguy cơ mai một, biến mất, hoặc biến dạng, trong đó có tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống. 

Căn cứ tình hình thực tiễn, việc triển khai xây dựng Đề án "Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030" là thực sự cần thiết nhằm hiện thực hóa quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị trong Đề án cần phải đặc biệt coi trọng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào. Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông; khuyến khích người chưa biết tiếng phổ thông học tiếng phổ thông, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Cần giao lưu văn hóa, học hỏi những tiến bộ của các dân tộc khác để làm giàu thêm nền văn hóa của dân tộc mình.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, UBND tỉnh chỉ đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông ưu tiên tài trợ cho các tác giả người dân tộc thiểu số có khả năng sáng tạo các tác phẩm về đề tài dân tộc miền núi. Quan tâm tổ chức, điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số để sớm giảm tỉ lệ hộ nghèo và cải thiện đời sống, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, xóa bỏ các hủ tục…

Khi Đề án được phê duyệt, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan khi tổ chức hội nghị tổng kết năm kết hợp tổ chức quán triệt, triển khai Đề án. Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, các cơ quan thông tin đại chúng cần tập trung tuyên truyền sâu rộng để Đề án phát huy hiệu quả trong đời sống nhân dân.

NT