ĐBQH đề xuất người dân được công nhận giới tính một lần trong đời

Ngày 12/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Sáng kiến lập pháp đầu tiên của đại biểu Quốc hội được nhất trí trình Quốc hội.

Tại phiên họp, trình bày tờ trình, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết, Bộ luật Dân sự đã có sự phân định rất rõ ràng quyền xác định lại giới tính (Điều 36) và quyền Chuyển đổi giới tính (Điều 37). Việc xác định lại giới tính là dành cho những người có giới tính khi sinh chưa hoàn chỉnh nên phải xác định lại giới tính.

Theo ông, hiện nay, vấn đề xác định lại giới tính đang được thực hiện bằng Nghị định số 88/2008/NĐ-CP và không có vướng mắc trên thực tiễn. Do đó, đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính chỉ triển khai quy định của Điều 37 Bộ luật Dân sự, không quy định nội dung của Điều 36 Bộ luật Dân sự.

ĐBQH đề xuất người dân được công nhận giới tính một lần trong đời - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

Về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, ông Trí cho biết được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

“Chính sách về thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân được điều chỉnh theo hướng thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới thì công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu.

Thẩm tra, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính; đồng thời cơ bản thống nhất với 4 nhóm chính sách lớn trong đề nghị xây dựng luật.

Theo cơ quan này, các chính sách do ĐBQH đề nghị đã có sự kế thừa, sắp xếp một cách hợp lý trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu, đề xuất của Bộ Y tế (đã chuyển giao cho ĐBQH) và bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh, tên gọi của luật đã được thay đổi.

Để hoàn thiện hơn hồ sơ đề nghị xây dựng luật, Uỷ ban Pháp luật đề nghị ĐBQH tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính. Theo đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu bổ sung cả trường hợp “xác định lại giới tính của cá nhân” theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự cũng thuộc phạm vi của thực hiện chuyển đổi giới tính.

Về nhóm Chính sách 2 thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân đề nghị thể hiện rõ hơn về mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính; đồng thời, cần nghiên cứu về một số quyền, nghĩa vụ mang tính đặc thù của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng bày tỏ rằng, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết xây dựng và trình ban hành Luật chuyển đổi giới tính được xây dựng và căn cứ vào Hiến pháp.

Bộ Y tế, Chính phủ đã rất ủng hộ và hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí trong việc hoàn thiện hồ sơ và xây dựng dự án luật này. Ủy ban Pháp luật cũng đã có ý kiến là không cần tiến hành lấy ý kiến lại, nội hàm của luật cũng đã được xác định rõ.

Qua lấy phiếu, với 12 ý kiến tán thành, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để Quốc hội cho ý kiến.