Bộ trưởng Tài chính lý giải vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ ngành đều đồng tình giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) chiều 11/11, nhiều ĐBQH đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tham gia giải trình ý kiến của các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mối quan hệ giữa Luật Giá và 21 bộ luật khác đã quy định trong các bộ luật chuyên ngành về giá. Cơ quan soạn thảo đã xây dựng theo hướng tránh chồng chéo, trùng lắp và xây dựng nhằm quản lý toàn diện về giá.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ sẽ chủ trì hướng dẫn về phương pháp, nguyên tắc và phạm vi định giá.

“Ví dụ giá đất, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định giá đất, đảm bảo không chồng chéo, sai lệch so với tiêu chuẩn chung”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Về danh mục hàng hóa và dịch vụ cụ thể, Bộ tiếp thu các ý kiến của ĐBQH về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Về thẩm quyền, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến ĐBQH đó là giao cho Ủy ban Thường vụ quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, “như vậy sẽ kịp thời, chủ động hơn”.

Tiêu điểm - Bộ trưởng Tài chính lý giải vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bộ trưởng Tài chính giải trình ý kiến của các ĐBQH nêu.

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết lấy đã ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành đều đồng tình giữ quỹ này.

Lý do được Bộ trưởng Tài chính đưa ra là: “Bởi vì giá xăng dầu tăng lên ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Vì vậy, giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu thì giảm tăng giá sốc từ từ.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện Nhà nước sử dụng 5 công cụ để điều chỉnh giá xăng bao gồm: Thuế, chi phí định mức, nguồn cung, thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.  

“Càng nhiều công cụ để đảm bảo điều chỉnh và giảm sốc giá xăng, dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân là một điều rất cần thiết”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

Về vấn đề sách giáo khoa, định giá giá tối đa hay giá tối thiểu hay một số mặt bằng khác theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ý kiến này rất hay.

“Trong tư duy chúng ta luôn luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao, nhưng lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp. Khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này”, Bộ trưởng nói.

Tiêu điểm - Bộ trưởng Tài chính lý giải vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Hình 2).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện Nhà nước sử dụng 5 công cụ để điều chỉnh giá xăng.

Về kê khai giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến ĐBQH, đồng thời cho biết, thực hiện kê khai giá nên tập trung vào một số giá hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tới đây.

Tại phiên thảo luận chiều 11/11, bày tỏ cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giá, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng trong hoạt động điều hành giá, Nhà nước cần bám sát các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan.

Đối với nội dung về bình ổn giá, đặc biệt là Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng chỉ nên can thiệp vào thị trường ở một vài thời điểm nhất định, cần có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo ổn định thị trường, đồng thời cũng hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp.

Không đồng tình với việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu An cho rằng “Quỹ bình ổn giá không phải là một biện pháp để bình ổn giá, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội dung Quỹ bình ổn giá xăng dầu là “bước đệm” để bình ổn giá xăng dầu, đồng thời đề nghị sử dụng linh hoạt nhiều công cụ khác trong bình ổn giá.