Ảnh: Cánh đồng lúa vùng biên giới thấm đẫm tình quân dân

Mô hình trồng lúa nước bản Ka Ai đã giúp đồng bào Mày ở đây bảo đảm nguồn lương thực, không chỉ đủ gạo ăn quanh năm mà còn để dự trữ và chăn nuôi gia súc.

Dân sinh - Ảnh: Cánh đồng lúa vùng biên giới thấm đẫm tình quân dân

Sáng 28/9, sau những ngày mưa lũ, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo, BĐBP Quảng Bình đã khẩn trương cùng bà con bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, xuống đồng thu hoạch lúa hè thu.

Mô hình lúa nước 2 vụ/năm ở bản Ka Ai được BĐBP tỉnh Quảng Bình xây dựng từ năm 2013, có diện tích gần 5ha. Nhờ phương án phòng chống tốt nên vụ hè thu năm nay, năng suất đạt 3,5 tấn/ha. 

Dân sinh - Ảnh: Cánh đồng lúa vùng biên giới thấm đẫm tình quân dân (Hình 2).

Mô hình lúa nước 2 vụ/năm ở bản Ka Ai được BĐBP tỉnh Quảng Bình xây dựng từ năm 2013.

Trải qua 20 vụ mùa, từ chỗ được BĐBP cầm tay chỉ việc, đến nay, đồng bào Mày ở bản Ka Ai đều tự tay làm lấy. Mỗi năm 2 vụ lúa, đạt năng suất trung bình gần 4 tấn/ha đã giúp cho 138 hộ trên 708 khẩu bảo đảm nguồn lương thực, không chỉ đủ gạo ăn quanh năm mà còn để dự trữ và chăn nuôi gia súc.

Từ khi có mô hình lúa nước này, người Mày ở bản Ka Ai đã vơi bớt nỗi lo thiếu gạo. Để giúp bà con tự giác và chủ động làm quen với việc canh tác lúa nước, từ năm 2016, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo đã tiến hành chia tách ruộng giao cho các hộ.

Dân sinh - Ảnh: Cánh đồng lúa vùng biên giới thấm đẫm tình quân dân (Hình 3).

Lực lượng bộ đội biên phòng giúp bà con gặt lúa.

Vụ mùa này, đánh dấu mốc sự kiện 10 năm hình thành ruộng lúa nước bản Ka Ai. Sau 10 năm với những gian nan, vất vả, nhiều lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, nước ruộng khan hiếm, đặc biệt là hiểu biết hạn chế của đồng bào về cây lúa nước, giờ đây đồng bào đã tự giác xuống đồng, cơ bản nắm được quy trình làm lúa nước, đặc biệt là biết quý trọng hạt gạo do chính mồ hôi, công sức mình bỏ ra.

Dân sinh - Ảnh: Cánh đồng lúa vùng biên giới thấm đẫm tình quân dân (Hình 4).

Không khí khẩn trương, nhộn nhịp...

Dân sinh - Ảnh: Cánh đồng lúa vùng biên giới thấm đẫm tình quân dân (Hình 5).

Giúp bà con tuốt lúa sau khi gặt về...

Theo ông Hồ Hùng, Trưởng bản Ka Ai thì hiện không chỉ biết trồng lúa nước, các hộ ở bản còn biết làm kinh tế, bước đầu tạo được nguồn thu để trang trải cho cuộc sống của mình.

“Dù chưa hết khó khăn nhưng chúng tôi đã nhận thức được chỉ có tự tạo lập thì cuộc sống mới ổn định, chứ không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước được”, ông Hùng nói.

Dân sinh - Ảnh: Cánh đồng lúa vùng biên giới thấm đẫm tình quân dân (Hình 6). Tình dân quân thắm đượm nơi miền biên giới...

Đây cũng là mô hình có diện tích lớn nhất trong số các mô hình lúa nước do BĐBP tỉnh triển khai suốt dọc dải biên giới phía tây của tỉnh.