Rối với bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách còn bất cập, các văn bản hướng dẫn thực hiện không thống nhất đã gây khó cho cả người lao động lẫn cơ quan chức năng trong quá trình thực thi

Đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ năm 2009, đến cuối năm 2023 chị Trần Thị Hoa (quận 12, TP HCM) bị mất việc do công ty ngừng hoạt động. Khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), chị khá bất ngờ vì chỉ được hưởng trợ cấp 12 tháng tương ứng với 144 tháng đóng. Với thời gian đóng BHTN dư ra chị không được tính hưởng cũng không được bảo lưu.

Chưa bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng

Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, thời gian hưởng TCTN của người lao động (NLĐ) được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN. Sau đó, đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Luật Việc làm không có quy định về việc không được bảo lưu và tính hưởng cho thời gian đóng vượt quá 144 tháng, nên khi quá trình đóng ngắt quãng dài khiến chị Hoa bất bình vì cảm thấy thiệt thòi quyền lợi.

Rối với bảo hiểm thất nghiệp- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Dù không quy định trong Luật Việc làm nhưng vấn đề này đã được nêu tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Theo đó, NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng TCTN được bảo lưu; NLĐ đóng BHTN trên 144 tháng thì thời gian chưa được giải quyết hưởng TCTN không được bảo lưu. 

Đối với trường hợp NLĐ không đến nhận tiền, bị hủy quyết định hưởng hay bị chấm dứt hưởng TCTN thì thời gian bảo lưu được tính tương ứng với thời gian còn lại mà NLĐ chưa hưởng. Thời gian bảo lưu được ghi tại quyết định về việc chấm dứt hưởng TCTN của NLĐ.

Như vậy, nếu NLĐ đóng BHTN trên 144 tháng đang hưởng TCTN, nếu bảo lưu khi chưa hưởng hết, thì cũng chỉ được bảo lưu số tháng chưa hưởng còn lại trong vòng 12 tháng (theo quyết định hưởng), không được cộng nối với thời gian dư chưa được tính hưởng trước đó.

Bà Trần Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sambu Vina Sports, không đồng tình với quy định này. Theo bà Gái, hiện lao động trên 40 tuổi thường bị doanh nghiệp xếp vào hàng ưu tiên cắt giảm nhưng khó tìm việc làm mới. "Sau 12 tháng hưởng TCTN nếu không có việc làm, thu nhập, không được hưởng TCTN tương xứng với thời gian đóng góp thì họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, với quy định trên, NLĐ sẽ tính toán thiệt hơn, nghỉ việc để hưởng TCTN khi vừa đủ thời gian hưởng mức tối đa rồi sau đó đóng tiếp" - bà Gái nói.

Hướng dẫn thiếu nhất quán

Cũng liên quan đến vấn đề này, UBND TP HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB-XH có hướng dẫn, thống nhất giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc hưởng TCTN đối với trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng.

Theo UBND TP HCM, trong quá trình thực thi Luật Việc làm và các hướng dẫn quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật này, TP HCM đang gặp một số vướng mắc. Cụ thể, tại Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP không đề cập việc thời gian đóng BHTN trên 144 tháng nếu NLĐ chưa được giải quyết hưởng TCTN thì không được bảo lưu. Tuy nhiên, theo Công văn số 665/CVL-BHTN ngày 15-8-2022 của Cục Việc làm hướng dẫn không bảo lưu đối với thời gian đóng BHTN trên 144 tháng.

Tiếp theo, ngày 17-10-2023, Bộ LĐ-TB-XH có Công văn số 4379/LĐTBXH-VL gửi BHXH Việt Nam, trong đó có nội dung: "Đối với trường hợp có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng đã được giải quyết hưởng TCTN từ ngày 1-1-2021 mà có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng được bảo lưu thì phải rà soát để thực hiện việc không bảo lưu đối với thời gian này theo quy định nêu trên".

Thực hiện các quy định này, từ ngày 1-1-2021 đến 15-8-2022, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã ban hành 23.067 quyết định về việc hưởng TCTN cho NLĐ và có ghi nhận bảo lưu những tháng chưa giải quyết hưởng TCTN với thời gian đóng trên 144 tháng. Từ ngày 16-8-2022 đến nay, căn cứ Công văn số 665/CVL-BHTN, Sở LĐ-TB-XH TP đã ban hành 32.123 quyết định cho NLĐ đóng BHTN trên 144 tháng được giải quyết hưởng TCTN với thời gian tối đa 12 tháng và không bảo lưu đối với thời gian đóng BHTN còn lại.

Từ thực tế trên, UBND TP HCM đề nghị đối với các trường hợp đã ban hành quyết định hưởng TCTN và có ghi nhận bảo lưu các tháng chưa hưởng thì sẽ không ban hành quyết định điều chỉnh để ghi nhận không bảo lưu các tháng chưa được hưởng TCTN tại thời điểm hiện nay. Khi NLĐ nộp hồ sơ hưởng TCTN cho lần hưởng tiếp theo, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố sẽ hướng dẫn, giải thích để NLĐ hiểu và xem xét tham mưu Sở LĐ-TB-XH ban hành quyết định hưởng TCTN không cộng dồn thời gian đóng BHTN trên 144 đã được bảo lưu trước đó. 

Thiệt thòi vì "tháng liền kề"

Theo Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, một bất cập khác của chính sách BHTN đó chính là quy định về điều kiện hưởng liên quan đến "tháng liền kề" đóng BHTN trước thời điểm NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được tổ chức BHXH xác nhận (quy định tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP). Quy định này đang gây khó khăn và thiệt thòi cho NLĐ tại các doanh nghiệp đang nợ BHXH.