Nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới gia tăng nhanh

Hai năm gần đây, tỉ lệ nam giới nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam tăng nhanh, trong đó phần lớn là nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam 2012-2022, đại diện Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông tin, tính đến cuối tháng 9, số người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý là 219.146 trường hợp.

Riêng từ đầu năm đến tháng 9/2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới hơn 7.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV/AIDS có 85% nam giới. Trong đó tuổi 16 - 29 (48,9%) và 30 - 39 (28,7%).

Theo đó, trước đây, đường lây truyền HIV/AIDS chủ yếu qua đường máu, qua nhóm nghiện chích ma túy, tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ lây qua quan hệ tình dục không an toàn đã tăng dần từ 65% lên 82,2% vào năm 2022.

Đặc biệt, số ca nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam trong 2 năm gần đây có nhiều sự thay đổi về hình thái lây nhiễm. Cụ thể, tỉ lệ nam giới nhiễm HIV tăng nhanh, trong đó, phần lớn có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Liên quan vấn đề này, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh việc phòng chống HIV/AIDS đã trải qua 30 năm với nhiều thành tựu quan trọng.

"Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí là giảm số người nhiễm HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS", vị lãnh đạo nói.

Thứ trưởng Hương cho rằng nếu ở thời điểm đỉnh cao của dịch cách đây 13 năm, Việt Nam có thể phát hiện tới 30.000 ca nhiễm HIV mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, có thời điểm con số này chỉ còn khoảng 1/3. Việt Nam cũng đã giữ vững tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. 

Nhiều năm qua, nguồn tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế là chủ yếu, có thời điểm kinh phí hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đóng góp tới 80% kinh phí chi cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS và đã đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51%.

Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Đến nay, Quỹ Bảo hiểm y tế trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm. Nâng tỷ trọng của Quỹ Bảo hiểm y tế trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.

"Mặc dù vậy, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình. Nguồn lực huy động dự kiến trong giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu", Thứ trưởng lưu ý.

Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Mặt khác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thiện hành lang pháp lý, đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV nguồn Bảo hiểm y tế được liên tục và ổn định cho người bệnh.

Bộ Y tế cũng hy vọng, các nhà tài trợ tiếp tục vận động, kêu gọi kinh phí cho quá trình chuyển giao bền vững của Việt Nam trong chặng đường tiếp theo.

Bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết thêm, với tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS như hiện nay, cần thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin qua các sự kiện cộng đồng, các mạng lưới tại địa phương, nhóm đồng đẳng…  Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để giảm kỳ thị phân biệt đối xử, cung cấp thông tin mới về kiến thức HIV/AIDS, giới và xu hướng tính dục, ma túy đá… Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là đối tượng cần tập trung tuyên truyền, hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Tuổi Trẻ Online)