Miền Trung chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng cấp độ cao

(Chinhphu.vn) - Các tỉnh miền Trung đã bước vào mùa khô, có nền nhiệt cao kéo theo nguy cơ cháy rừng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các lực lượng làm nhiệm vụ canh lửa, giữ rừng tập trung cao độ nhằm phát hiện sớm những điểm phát lửa.

Để bảo vệ rừng trước nguy cơ cháy cao, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng trực chiến phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy chuyên dụng, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Chi cục Kiểm lâm thành phố đã thành lập đội phản ứng nhanh PCCCR trên địa bàn năm 2024, gồm 38 thành viên được tổ chức với 1 ban chỉ huy và 3 tổ công tác hoạt động trên 3 địa bàn trọng điểm là khu rừng bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và các khu rừng trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây sẽ là lực lượng cơ động, tiếp cận sớm nhất để trực tiếp xử lý, khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Thời điểm này, xu hướng tham quan bán đảo Sơn Trà của người dân và du khách đang tăng lên. Cũng từ đó, xuất hiện tình trạng tổ chức ăn uống, cắm trại qua đêm, đốt lửa ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và khiến nguy cơ cháy rừng xảy ra.

Trước thực trạng này, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn đã thực hiện tuyên truyền trên các tuyến đường ven rừng, những nơi có đông du khách và ở các khu dân cư gần rừng và ven rừng về các thông tin, biện pháp hay các quy định của pháp luật về phòng, chống cháy rừng.

Còn tại huyện Hòa Vang, để chủ động phòng, chống cháy rừng, Hạt kiểm lâm huyện đã yêu cầu các địa phương có rừng chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện ngay các biện pháp cấp bách PCCCR. Đồng thời tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm tra, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCCCR cho người dân và du khách tại các khu vực nguy cơ cao.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng vừa ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCCR.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và bảo đảm lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ".

Trong trường hợp phát hiện sớm cháy rừng, thông tin ngay về Cục Kiểm lâm theo số điện thoại: 0986.668.333.

Theo báo cáo của ngành lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay đơn vị đã xác định được 5 vùng trọng điểm cháy rừng với hơn 70.000 ha trải đều trong toàn tỉnh, từ đó thiết lập hệ thống tổ chức PCCCR từ tỉnh đến cơ sở. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy với tổng diện tích 12,7 ha, bước đầu xác định không có thiệt hại về rừng, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3 vụ.

Ngoài nguyên nhân khách quan do nắng nóng kéo dài, thì nguyên nhân chủ quan là do một số người dân sống gần rừng, ven rừng ý thức trách nhiệm chưa cao, không chấp hành pháp luật, xử lý thực bì, đốt ong, thắp hương tại các nghĩa trang gần rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo đơn vị, địa phương tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; gắn trách nhiệm cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ thôn, bản trong công tác quản lý và giám sát tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng, PCCCR.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng vừa kiểm tra thực tế và có chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ rừng tiếp tục tập trung cao độ thực hiện các giải pháp PCCCR trước dự báo tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới. Theo đó, giữ nguyên tắc, quan điểm phòng cháy là quyết định, phải "phát hiện sớm, phản ứng nhanh, xử lý hiệu quả".

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng. Các ngành, địa phương, chủ rừng tăng cường mua sắm trang thiết bị chữa cháy; soát xét lại phương án huy động lực lượng, phương tiện, đảm bảo sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ".

Minh Trang