Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng

Tình hình sụt lún, sạt lở tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, ước tổng thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng.

Ngày 9/4, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho biết, đến nay đã ghi nhận 297 điểm sụt lún, sạt lở và rạn nứt trước nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện, với tổng chiều dài hơn 8.180 m, gồm: 6.668 m sạt lở và 1.515 m rạn nứt.

Các điểm sụt lún, sạt lở này tập trung trên địa bàn hai xã An Minh Bắc 165 điểm và Minh Thuận 132 điểm. Đặc biệt, đường Tỉnh 965 (Đê bao ngoài) có 37 điểm sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài 790 m; hư hỏng một số cầu giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, qua khảo sát, thống kê của đơn vị chức năng và địa phương, có 470 căn nhà, gồm: Xã Minh Thuận 202 nhà, xã An Minh Bắc 268 nhà của hộ dân xây dựng cặp mé kênh, rạch trong khu vực vùng đệm U Minh Thượng. Số nhà này do người dân lấn chiếm hành lang thủy giới xây dựng trái phép, UBND huyện U Minh Thượng đã lập biên bản ngăn chặn, xử lý.

Dân sinh - Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng

Sụt lún, sạt lở trên địa bàn xã An Minh Bắc.

Đến nay, thiệt hại do sụt lún, sạt lở 26 căn nhà xuống kênh, rạch. Đồng thời, hiện có khoảng 67 căn nhà khác của hộ dân có nguy cơ sạt lở, sụp đổ cao trong thời gian tới, nhất là khi xuất hiện những cơ mưa lớn đầu mùa.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, do ảnh hưởng hiện tượng El-Nino, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm vào tháng 9/2023; mặn xâm nhập sớm từ đầu tháng 1/2024; không có nguồn nước ngọt bổ sung vào vùng đệm U Minh Thượng; mưa trái mùa không đáng kể, nắng nóng, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm dẫn đến bốc hơi nước mạnh; nhu cầu bơm tưới từ hệ thống kênh để dự trữ cho sản xuất và sinh hoạt của các nông hộ rất lớn… là nguyên nhân làm cho nước dưới kênh, rạch trên địa bàn vùng đệm U Minh Thượng khô dòng.

Mặt khác, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, mực nước kênh Đê bao ngoài và các kênh trong vùng đệm hạ thấp ở mức độ cạn kiệt, khoảng cách từ mặt nước hiện tại cách cao độ mặt đường khoảng 4 m, gây hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến lộ giao thông ở mức nghiêm trọng.

Đáy một số kênh trong nội vùng khá sâu, do trước đó nạo vét phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: Lấy đất san lắp mặt bằng, đắp nền nhà, làm bờ thi công lộ giao thông… cùng với đất nền yếu gây sạt trượt, sụt lún, sạt lở.

Dân sinh - Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng (Hình 2).

Đến nay đã ghi nhận 297 điểm sụt lún, sạt lở và rạn nứt trước nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện U Minh Thượng.

Khắc phục hậu quả và giảm thiểu những thiệt hại đến mức thấp nhất có thể tiếp tục xảy ra do sụt lún, sạt lở trong thời gian tới, huyện U Minh Thượng hỗ trợ di dời những vật dụng trong gia đình hộ dân bị sụp đổ đến nơi an toàn, xây dựng nhà tạm ở, thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận đã huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn đường giao thông nông thôn bị sụt lún, sạt lở thông tuyến để người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể là lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng 53 điểm sụt lún, sạt lở; mở 18 đường tạm cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và dân sinh…

Các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống sụt lún, sạt lở trong mùa khô 2024 như: Không lấy đất từ các kênh để san lắp mặt bằng, nền nhà..., sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.

Huyện xác định khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở giăng dây, kẽ vạch, cắm biển báo, đèn tín hiệu... để cảnh báo đến người dân.

Đặc biệt, đối với các hộ dân nhà ở trên và ven kênh, rạch trong khu vực vùng đệm, vận động những hộ có điều kiện di dời và kiên quyết di dời các căn nhà ở khu vực rạn nứt, nguy cơ sạt lở, cao.

Dân sinh - Kiên Giang: Sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng (Hình 3).

Huyện U Minh Thượng phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Đơn vị chức năng phối hợp với các xã thường xuyên kiểm tra, dự báo, cảnh báo về tình hình sụt lún, sạt lở từ nay đến hết mùa khô 2024, nhất là khu vực vùng đệm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải Kiên Giang tiến hành sửa chữa các vị trí sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Tỉnh 965; phân luồng giao thông tạm, hạn chế tải trọng xe tải, lắp biển báo cấm xe tải trọng trên 3,5 tấn lưu thông; tăng cường công tác cảnh báo, lắp đèn tín hiệu, rào chắn, biển báo, tập trung tuần tra, kiểm tra tuyến đường để đảm bảo giao thông tạm thời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang thành lập “Tổ khảo sát mức độ thiệt hại, đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai về sụt lún, sạt lở khu vực vùng đệm U Minh Thượng”, qua đó, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, công bố tình huống khẩn cấp thiên tai về sụt lún, sạt lở đất do hạn hán.

Đồng thời, phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, Sở trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện Dự án “Chống ngập và chống hạn vùng đệm U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang”. Đặc biệt là đầu tư hạng mục nâng cấp, mở rộng tuyến kênh Đê bao ngoài, xây dựng cống, trạm bơm để điều tiết nước.