Đồng Nai: Chuyển một bệnh nhi ngộ độc nặng lên tuyến trên

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, bệnh viện đã chuyển cháu T.G.H., bị ngộ độc thực phẩm nặng lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Chuyển tuyến bệnh nhi ngộ độc nặng

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), ngày 5/5, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, bệnh viện đã chuyển cháu T.G.H. (6 tuổi) bị ngộ độc thực phẩm nặng lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) để điều trị.

Sức khỏe - Đồng Nai: Chuyển một bệnh nhi ngộ độc nặng lên tuyến trên

Các y, bác sĩ đang tiếp tục nỗ lực cứu chữa các bệnh nhi bị ngộ độc nặng và rất nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Cháu H. (ngụ khu phố 3, phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh), được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chiều ngày 2/5 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê, thở máy, mạch 140 lần/phút, huyết áp 110/60 mmHg, đồng tử 2 bên giãn, thể trạng béo phì.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã hội chẩn với các bác sĩ Nhi đồng 1 và chỉ định điều trị thở máy, lọc máu chu kỳ, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh… tiên lượng rất nặng.

Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đến nay bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhi là cháu H. và N.H.T.A. (13 tuổi).

Trong đó, cháu T.A. được chẩn đoán viêm ruột, tiêu chảy cấp, mất nước, nghi do vi trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Sau 3 ngày điều trị, hiện tình hình của bé T.A. tiến triển khá hơn. Riêng trường hợp bé H. đang tiếp tục được nỗ lực cấp cứu, điều trị.

Sắp có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm

Trước đó, ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Trong đó, yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Long Khánh có giải pháp hỗ trợ, ổn định tư tưởng, học tập và thi học kỳ cho các cháu học sinh bị ảnh hưởng do ngộ độc thực phẩm.

Liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh), đến 16h chiều 4/5, có 88 học sinh từ mầm non đến THPT bị ngộ độc. Cụ thể, mầm non: 11 em; tiểu học: 34 em; THCS: 35 em; THPT: 8 em.

Sức khỏe - Đồng Nai: Chuyển một bệnh nhi ngộ độc nặng lên tuyến trên (Hình 2).

Một số học sinh bị ngộ độc đang được điều trị tại bệnh viện.

Đến thời điểm hiện nay, 22 em đã được bệnh viện cho điều trị và theo dõi tại nhà, 36 em đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa khu vực Long Khánh, 7 em đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 1 em đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh), 1 em điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (thành phố Hồ Chí Minh) và 1 em ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Ngay khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu, Phòng giáo dục đã kịp thời thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình và các em yên tâm điều trị.

Riêng các em học sinh khối 9, 12 đã hoàn thành kiểm tra cuối học kỳ 2. Còn các em học sinh đang học tiểu học và các lớp 6, 7, 8, 10, 11, khi nào học sinh đi học, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá (nếu cần thiết sẽ có ôn tập thêm cho các em).

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Lê Quang Trung cho biết, đối với 3 bệnh nhi bị bệnh nặng, kết quả xét nghiệm mẫu máu cho thấy các bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli.

Chiều ngày 4/5, tại cuộc họp giao ban về kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, đối với 3 bệnh nhi bị bệnh nặng, kết quả xét nghiệm mẫu máu cho thấy các bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli.

Sức khỏe - Đồng Nai: Chuyển một bệnh nhi ngộ độc nặng lên tuyến trên (Hình 3).

Đoàn công tác Bộ Y tế do Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Hùng Long (áo trắng) tới kiểm tra cơ sở kinh doanh Băng tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh.

“Vào thứ 2 tới (ngày 6/5), Sở Y tế tỉnh Đồng Nai sẽ có báo cáo xem giữa kết quả nhiễm trùng ecoli khi xét nghiệm máu có phù hợp với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn không”, ông Lê Quang Trung cho biết.

Cũng theo ông Lê Quang Trung, tính đến ngày 4/5, số ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại thành phố Long Khánh là 530 ca, tăng thêm so với ngày 3-5 khoảng 80 ca. Tuy nhiên, số lượng ca bệnh tăng nhưng tình trạng bệnh lại không nặng bởi những ca càng nhiễm về sau thì tình trạng bệnh nhẹ. Các bệnh nhận có triệu chứng chỉ đến khám.

Sức khỏe - Đồng Nai: Chuyển một bệnh nhi ngộ độc nặng lên tuyến trên (Hình 4).

 Các chuyên gia y tế thành phố Hồ Chí Minh đang hỗ trợ điều trị cho các trường hợp bị ngộ độc nặng .

Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 5 ca là các bệnh nhi bị bệnh nặng, trong đó có 3 ca đã tương đối ổn định và tình trạng đang tốt dần lên.

Có 2 ca các bệnh nhi vẫn đang phải thở máy, tuy nhiên có 1 ca tiên lượng tốt và 1 ca tiên lượng không tốt do bệnh nhi đã có giai đoạn bị ngưng tim trong quá trình cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Theo Sở Y tế, về cơ bản đánh giá, công tác tổ chức cấp cứu, khám, chẩn đoán điều trị cho các bệnh nhân cơ bản ổn định.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm làm theo các quy trình như lấy mẫu, kiểm tra, gửi xét nghiệm vi sinh.

Hiện nay, cơ quan công an và chính quyền địa phương đang tiếp tục vào cuộc để xử lý.

Cũng liên quan đến vụ việc, Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công an thành phố Long Khánh, các phòng nghiệp vụ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành truy vết thực phẩm, làm việc với các tổ chức cá nhân cung cấp nguồn thực phẩm cho tiệm bánh mì Băng.

Tăng cường kiểm soát, giảm ngộ độc thực phẩm

Theo các cơ quan chức năng  tỉnh Đồng Nai, trong thời gian qua, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế như: không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm; thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe đối với chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm hoặc giấy chứng nhận hết hạn…

Bên cạnh đó, năng lực hậu kiểm còn hạn chế, thiếu hụt nhân lực để triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý ATTP. Kiểm soát ATTP đối với thức ăn đường phố còn hạn chế…

Trước tình hình đó, thời gian tới, công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn cần phải tăng cường, đổi mới, thực hiện căn cơ, đồng bộ hơn.

Theo đó, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sơ chế đến chế biến thực phẩm. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền. Các lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý và hỗ trợ các cơ quan quản lý xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về ATTP.

Ngoài ra, ngành chức năng cần quan tâm sớm cập nhật, bổ sung các quy định về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố; hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội…

Sức khỏe - Đồng Nai: Chuyển một bệnh nhi ngộ độc nặng lên tuyến trên (Hình 5).

Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công an thành phố Long Khánh, các phòng nghiệp vụ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành truy vết thực phẩm.

Cùng với đó, công tác thông tin, truyền thông về đảm bảo ATTP cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đổi mới hình thức, nội dung truyền thông trong công tác đảm bảo ATTP phù hợp với từng vùng, từng đối tượng; chú trọng truyền thông về trách nhiệm quản lý, đảm bảo ATTP, thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và sử dụng dịch vụ thực phẩm. Thường xuyên tổ chức tập huấn các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP cho các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể…

Việc triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp đảm bảo ATTP sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường kiểm soát thực phẩm từ nguồn gốc đến chế biến sẽ góp phần ngăn chặn, kéo giảm các vụ ngộ độc thực phẩm hiệu quả, bền vững hơn.