'Bông hồng thép' của Bệnh viện Hùng Vương

(Chinhphu.vn) - Nếu gặp chị ở ngoài đời, ít ai ngờ rằng người phụ nữ ấy là bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM, người được tôn vinh bằng cái tên "Bông hồng thép".

Những tháng ngày không thể nào quên

Tháng 9/2021, bộ phim tài liệu "Ranh giới", "Ngày con chào đời" đã khiến trái tim hàng triệu người như bị bóp nghẹt. Những thước phim chân thực được ghi lại tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương khiến người xem bị "sốc" trước sự hoành hành của dịch COVID-19. Nhưng bộ phim cũng cho người xem hiểu nhiều hơn về những hy sinh thầm lặng của những y bác sĩ tuyến đầu.

Một năm đã đi qua nhưng kí ức về những ngày tháng đau thương ấy luôn ở một góc sâu trong trái tim của bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết và các y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương.

"Làm nghề nhiều năm nhưng khi dịch bệnh diễn biến khốc liệt, bản thân tôi tưởng như không chịu nổi. Ở một bệnh viện sản, thời điểm đó, ngày nào cũng có "báo động đỏ", tuần nào cũng có bệnh nhân tử vong, điều đó thật đau lòng. Tới hôm nay, mỗi lần nghe "tiếng còi báo động" ở Bệnh viện, tôi vẫn thót tim…", bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.

Khoảng tháng 7-8/2021, số lượng phụ nữ mang thai mắc COVID-19 ngày càng nhiều, từ hàng chục rồi lên đến cả trăm người...

Bệnh viện bố trí một khu vực cách ly để tiếp nhận những phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19. Ban đầu chỉ khoảng 30 giường bệnh, sau đó tăng lên 50 giường, sau đó tăng lên 80 giường, rồi tăng lên 120 giường, 180 giường bệnh mà dường như chưa đủ. 

Lựa chọn phương án có thể cứu nhiều mạng người

Chị vẫn nhớ như in trường hợp một bệnh nhân nặng nhưng không thể chuyển viện. Đó là một buổi sáng Chủ nhật, khi còn chưa thức giấc, chị nhận điện thoại khẩn cấp về một trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID chuyển nặng. Nếu để ở Bệnh viện Hùng Vương thì gần như chắc chắn bệnh nhân tử vong vì kinh nghiệm, kỹ năng, phương tiện điều trị thời điểm đó Bệnh viện chưa đáp ứng được.

Chị gọi liên tục đến các bệnh viện mong tìm một cơ hội cho bệnh nhân nhưng các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Máy thở cũng không còn, nếu chuyển tới bệnh viện khác thì ở đó cũng không còn máy thở cho người bệnh.

Tình huống này khiến chị nhận ra nếu vẫn theo cách làm cũ, có phần máy móc thì sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong. Ngay lúc ấy, cuộc họp khẩn của Ban Giám đốc cùng các y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương được tổ chức.

Chị cho biết: "Tại cuộc họp, tập thể Bệnh viện thấy rằng chỉ có hai cách giải quyết. Một là tiếp tục đi theo con đường cũ, tức là chỉ giải quyết về sản phụ khoa rồi chờ các bệnh viện chuyên khoa bệnh hô hấp tiếp nhận điều trị. Nếu tiếp tục theo con đường này, tôi tin là sẽ có rất nhiều bệnh nhân chết trong tay mình mà mình không làm được gì.

Biện pháp thứ hai khó hơn là phải tự học, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, mời thầy về dạy rồi trang bị thêm phương tiện hồi sức thì may ra cứu được thêm nhiều người. Chúng tôi không dám mong là mình cứu được tất cả nhưng tôi nghĩ nếu có thể cứu được vài người vẫn tốt hơn".

Tập thể Bệnh viện Hùng Vương chọn phương án hai dù biết con đường phía trước còn nhiều gian nan chưa thể lường hết được.

Công sức của một tập thể

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương khẳng định sự đồng lòng chung tay của một tập thể là yếu tố quyết định. Không chỉ có y bác sĩ mà còn là những người lái xe chở bình oxy, lực lượng hậu cần, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm….

Vào tháng 8/2021, ngoài số lượng bệnh nhân vẫn tăng thì số nhân viên Bệnh viện nhiễm COVID-19 cũng rất nhiều. Có giai đoạn tất cả anh em ở tổ bảo trì, những người làm nhiệm vụ thay bình oxy cũng mắc bệnh. Nhưng nếu không có bình oxy thì nhiều bệnh nhân sẽ chết nên ai nhiễm bệnh mà còn khoẻ thì vẫn ráng làm việc.

Trước đây, khi dịch chưa ập tới, một tuần bệnh viện đi lấy oxy 2 lần. Nhưng thời điểm đó, mỗi ngày anh em đi lên Đồng Nai lấy oxy ít nhất 3 lần mới đủ nên dường như không được nghỉ ngơi.  Lúc đó, Bệnh viện chưa có hệ thống oxy y tế. May mắn có sự đồng hành của các nhà hảo tâm hỗ trợ nên chỉ trong thời gian ngắn, việc lắp đặt được hệ thống oxy đã giải quyết được nhiều vấn đề nan giải, bác sĩ Diễm Tuyết nhớ lại.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa học kiến thức chữa COVID-19

Để có thêm kiến thức chữa bệnh, Bệnh viện Hùng Vương mời được chuyên gia hồi sức của Trường Đại học Y Dược TPHCM, những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức chỉ dạy.

Giờ học là giờ nghỉ trưa của nhân viên: 10h30, 11h30, 12h30. Học từ cơ bản lý thuyết cho đến thực tế từng bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, với sự hướng dẫn online của chuyên gia.

"Tôi nhớ mãi ca đầu tiên khi Bệnh viện cai được máy thở cho bệnh nhân, cả ê kíp đã khóc vì hạnh phúc. Nữ bệnh nhân nhập viện do rong huyết. Lúc nhập viện mới phát hiện nhiễm COVID-19. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân trở nặng rất nhanh và bị suy hô hấp phải dùng máy thở. Thế rồi chúng tôi đã giúp bệnh nhân cai được máy thở", chị Diễm Tuyết nói.

Trước đây, việc dùng máy thở với bệnh viện sản như Hùng Vương là một điều gì đó rất kinh khủng. Nhiều người vẫn nghĩ nhiễm COVID-19 trở nặng và phải nhờ máy thở thì tình trạng này là tuyệt vọng. Thế nên khi có kỹ năng và phương tiện, chúng tôi có động lực mạnh mẽ để "chiến đấu" với COVID-19, cứu sống mạng người giống như đi trong đường hầm mà bất chợt thấy được tia sáng vậy", chị Diễm Tuyết nghèn nghẹn nhớ lại.

Rồi không chỉ một ca, rất nhiều ca sau đó đã cai được máy thở, xuất viện và trở về gia đình. Đội ngũ của Bệnh viện Hùng Vương ngày càng tự tin hơn khi sử dụng máy thở với bệnh nhân suy hô hấp…

Ngày Thành phố chính thức mở cửa trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, việc đầu tiên bác sĩ Diễm Tuyết làm là đi cắt tóc sau gần 1 năm chống dịch. 

Ngày ấy với chị cũng là một ngày đáng nhớ khi cuộc sống dần trở lại bình thường...

Huy Phạm