Vụ Vạn Thịnh Phát: HĐXX khẳng định Trương Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản

Theo HĐXX, hành vi của Trương Mỹ Lan đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản như VKSND Tối cao đã truy tố.

Ngày 11/4, TAND Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Hồ sơ điều tra - Vụ Vạn Thịnh Phát: HĐXX khẳng định Trương Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản

HĐXX cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan có hành vi tham ô tài sản.

Theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tiến hành mua gom cổ phần của 3 ngân hàng này.

Trương Mỹ Lan đã lợi dụng chính sách tái cơ cấu lại ngân hàng đã thâu tóm số lượng lớn cổ phần của ngân hàng SCB sau hợp nhất. Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần ngân hàng SCB, thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên dùm.

Do đó, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư (LS), cho rằng bản thân bị cáo Lan chỉ nắm giữ 5% cổ phần và gia đình chỉ nắm khoảng 15% cổ phần.

Dù bị cáo Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng, nên bị cáo Lan có quyền chi phối, tuyển chọn, bố trí các vị trí chủ chốt và quyết định các vấn đề của ngân hàng này.

Do đó, bị cáo Lan thỏa mãn là chủ thể của tội Tham ô tài sản. Từ đó, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của các LS, cho rằng bị cáo Lan không cấu thành tội Tham ô tài sản.

Theo HĐXX, quá trình điều tra đã xác định, các khoản vay của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tại SCB phần lớn được thực hiện bởi các pháp nhân mới thành lập.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo cao cấp của SCB và các thuộc cấp tiếp nhận ý chí của bị cáo Lan, bất chấp các quy định pháp luật, phê duyệt hàng ngàn khoản vay khống cho nhóm Vạn Thịnh Phát, tạo điều kiện để Trương Mỹ Lan rút hàng triệu tỷ đồng từ SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.

HĐXX cho rằng, từ 0h ngày 1/1/2018, chủ thể của tội Tham ô tài sản không chỉ là những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước, mà còn là những ngưới có chức vụ, quyền hạn tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ gần tuyệt đối cổ phần tại SCB, chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội Tham ô tài sản như VKSND Tối cao truy tố.

Các luật sư và bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, bị cáo Lan là người đưa tài sản của cá nhân và gia tộc nhằm tái cơ cấu ngân hàng, trả nợ cũ, cơ cấu tại nợ cũ tại SCB. Tuy nhiên theo các quy định pháp luật, hoạt động đảo nợ không phải là hoạt động được cho phép trong lĩnh vực ngân hàng. Do đó, lập luận trên là không có cơ sở chấp nhận.

Cũng theo HĐXX, đây là vụ án có tổ chức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, kéo dài do bị cáo Trương Mỹ Lan cầm đầu. hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc dư luận, làm xói mòn lòng tin của nhân dân về hoạt động ngân hàng và các chủ trương tiền tệ của Nhà nước.

Về căn cứ xác định thiệt hại của vụ án, theo HĐXX trong vụ án này không cần bắt buộc xác định thiệt hại phải thông qua hội đồng định giá trong tố tụng hình sự. Việc VKS xác định thiệt hại bằng cách đối trừ giá trị tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ, là đang áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

Đối với 5 bị cáo bị xét xử vắng mặt, gồm: Đinh Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Chiêm Minh Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Trầm Thích Tồn, thành viên HĐQT Ngân hàng SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB; Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, HĐXX cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kêu gọi ra đầu thú nhưng các bị cáo không đầu thú nên các bị cáo đã từ bỏ quyền tự bào chữa của mình.

Tuy nhiên quá trình xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chỉ định luật sư bào chữa, đảm bảo quyền lợi của 5 bị cáo bỏ trốn này. Mặt khác, tại phiên tòa không có ai khiếu nại về sự vắng mặt của 5 bị cáo, nên hội đồng xét xử xét xử vắng mặt đối với các bị cáo là đúng quy định pháp luật.

HĐXX vẫn đang tuyên án…