Việt Nam, Nhật Bản hợp tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi. Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc nhận biết hàng thật, hàng giả…

Chiều 28/2, tại Hà Nội, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam – Nhật Bản".

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 cán bộ từ các cơ quan quản lý và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ chốt của Việt Nam.

Ông Shige Watanabe, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Hội thảo nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, thúc đẩy các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam.

Thông qua các hoạt động này, ông Shige Watanabe hy vọng các biện pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái của Việt Nam sẽ được triển khai một cách phù hợp, bảo vệ chính đáng quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đem lại sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, cùng với sự phát triển của kinh tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng phổ biến hơn và hình thức cũng tinh vi hơn. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra trên 71.000 vụ và phát hiện, xử lý trên 52.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 500 tỷ đồng.

Riêng đối với việc xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 10.000 vụ, xử lý trên 9.000 vụ….

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ có nhiều chuyển biến tích cực. Địa bàn nổi cộm vi phạm giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh cũng đã được cải thiện.

Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, cơ chế thực thi pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa được chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc nhận biết hàng thật, hàng giả…

Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra xử lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt "Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025". Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý trên môi trường mạng bởi hiện nay, các đối tượng không chỉ bán hàng ở những điểm cố định mà còn bán ở trên các nền tảng thương mại điện tử, Facebook, Zalo… gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong việc kiểm tra các kho hàng, xử phạt các đối tượng.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN nhấn mạnh vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với mỗi quốc gia, doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN luôn chủ động phối hợp với các bộ ngành, cơ quan trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ và đã triển khai rất nhiều hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

Bà Nguyễn Như Quỳnh hy vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trên con đường phía trước trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực phát triển kinh tế.

Tại Hội thảo, 6 công ty Nhật Bản là chủ sở hữu những thương hiệu nổi tiếng và chính hãng Nhật Bản đã giới thiệu, hướng dẫn chi tiết về cách nhận biết sản phẩm thật – sản phẩm giả cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống hàng giả tại Vệt Nam.

Ngoài ra, phía Nhật Bản đã cung cấp Cẩm nang Xác thực giả mạo cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để sử dụng trong đào tạo và thực hành kiểm soát hàng giả, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Hoàng Giang