Trẻ mắc Covid-19 nôn ói có lo viêm não không? BS Trương Hữu Khanh giải đáp

Theo BS Trương Hữu Khanh – Cố vấn Khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM, khi con mắc Covid-19 và sốt cao, đa số các bậc phụ huynh có tâm lý hoảng sợ và ứng phó sai.

Theo bác sĩ Khanh, mỗi ngày ông nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại của phụ huynh xin tư vấn con mắc Covid-19. Bố mẹ nào cũng hốt hoảng hỏi: Tại sao con em sốt cao, tại sao không hạ sốt, uống thuốc gì bác sĩ ơi? Tôi phải làm gì khi con bị đau bụng, tiêu chảy? Nôn nhiều có phải do virus gây viêm não không?

Theo bác sĩ Khanh, đối với trẻ từ 5-12 tuổi mắc Covid-19, các em thường có biểu hiện sốt cao, rét run. Nhiều bé uống hạ sốt không giảm nên khiến cha mẹ vô cùng hoang mang và lo lắng.

Tuy nhiên, thông thường triệu chứng sốt sẽ kéo dài khoảng 48h và sau khi hạ sốt trẻ vẫn chơi bình thường và dần bình phục. Đặc biệt, trẻ có thể sốt rất cao tới 39 độ C, có thể có biểu hiện lạnh run trước khi sốt.

Khi con bị sốt, cha mẹ cần chuẩn bị thuốc hạ sốt, nhiệt kế. Khi hạ sốt trẻ thường bị vã mồ hôi, lúc này cha mẹ nên lau khô cho con. Đồng thời, cha mẹ nên cho con uống hạ sốt đúng liều lượng với cân nặng của con. 

BS Trương Hữu Khanh: Trẻ mắc Covid-19 nôn ói có lo viêm não không? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngoài sốt, trẻ có thể bị đau đầu, nôn. Theo bác sĩ Khanh, đây là những triệu chứng khiến các bậc phụ huynh lo lắng và nghi ngờ viêm não. Ở những trường hợp này, nếu trẻ thấy đỡ đau đầu hoặc nôn ói sau khi uống thuốc chống nôn hoặc thuốc giảm đau, các triệu chứng này hết trong vòng 36 giờ, thì có thể đây không phải là những triệu chứng của viêm não. Tuy nhiên, nếu trẻ không thấy đỡ sau khi uống thuốc thì trẻ có nguy cơ bị viêm não. 

2 việc cần làm khi chăm sóc F0 là trẻ em

Bác sĩ Khanh cho biết cha mẹ cần nhớ 2 việc khi chăm sóc trẻ nhiễm Covid-19, đó là:

Thứ nhất: Bình tĩnh

Nhiều bố mẹ mất bình tĩnh, lo lắng khi thấy con sốt cao, nôi ói. Lúc này, cha mẹ có thể có những cách xử lý không phù hợp với tình trạng của trẻ. Bác sĩ Khanh cho biết có bố mẹ vội vàng cho con uống kháng sinh hoặc uống thuốc hạ sốt quá mức, không đúng liều lượng được khuyến cáo.

Bác sĩ Khanh trấn an phụ huynh phải bình tĩnh vì đa số trẻ mắc Covid sẽ tự khỏi. Khi trẻ sốt cao, lạnh run, hãy cho trẻ uống hạ sốt đúng liều. Hãy bình tĩnh điều trị theo từng triệu chứng mà trẻ đang có. Nếu trong nhà có người già hoặc người có bệnh nền thì nên tách trẻ khỏi nhóm người có nguy cơ này. Bố mẹ chăm sóc con nên đeo khẩu trang. Bác sĩ Khanh cho biết thêm nếu cả nhà cùng mắc Covid thì không cần cách ly. Khi trẻ đã có kết quả âm tính, cha mẹ không nên lo lắng con sẽ bị tái nhiễm trong một thời gian ngắn vì khả năng tái nhiễm cùng 1 biến thể là vô cùng ít.

Thứ hai: Các sai lầm cần tránh

Bác sĩ Khanh cho biết phụ huynh cần bình tĩnh để không làm sai. Cha mẹ lưu ý, khi trẻ lạnh run thì tuyệt đối không được mặc thêm áo hoặc đắp thêm chăn cho trẻ. Cha mẹ hãy dùng nước ấm lau người cho trẻ. 

Trẻ dưới 6 tuổi không cần xông hoặc dùng quá nhiều tinh dầu như tinh dầu tỏi vì các phương pháp này có thể gây nóng, bỏng niêm mạc hô hấp của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ lưu ý đừng xịt mũi quá nhiều cho trẻ vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi. Cha mẹ không cần cho trẻ uống nước gì đặc biệt, nếu trẻ tiêu chảy, cha mẹ chỉ cần cho uống oresol.

Về dinh dưỡng, nếu trẻ không ăn được nhiều thì cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn cho con với các loại thức ăn mềm. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ ở trong phòng thoáng, mát. 

Bác sĩ Khanh khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không đắp lá, đắp tỏi với mong muốn trị sốt cho con. Thay vào đó, cha mẹ có thể sử dụng các bài thuốc trị ho như quất ngâm đường phèn, húng chanh, hồng bạch nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi thấy trẻ thở quá nhanh, co giật, môi tím tái, li bì, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và cấp cứu kịp thời. 

https://soha.vn/tre-mac-covid-19-non-oi-co-lo-viem-nao-khong-bs-truong-huu-khanh-giai-dap-20220320195756434.htm