Trăn trở của nữ giám đốc về công tác bảo vệ công lý cho phụ nữ, trẻ em

Dù đã nghỉ hưu nhưng bà Đặng Thị Thanh vẫn luôn có nhiều nỗi niềm trong công tác bảo vệ công lý cho người yếu thế…

Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam, Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên (Hội Luật gia Việt Nam) về cơ duyên công tác tại Hội cũng như những trăn trở của bà và các cộng sự trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Tất cả vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ em

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa bà, cơ duyên nào đưa bà tham gia công tác tại Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên (Hội Luật gia Việt Nam)

Bà Đặng Thị Thanh: Sau khi rời khỏi quân ngũ vào tháng 6/1976. Năm 1993, tôi được bổ nhiệm là Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa. Sáu năm sau, tôi được bổ nhiệm làm Phó Chánh tòa Hình sự TANDTC, tới tháng 12/2009 thì nghỉ hưu. Trong một lần gặp gỡ ông Phạm Quốc Anh khi ấy là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam có trao đổi với tôi về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, khi đó tôi đang điều hành công ty Luật Hà Thanh.

Nhận được lời mời và sự động viên của ông Phạm Quốc Anh và chị Dương Thị Thanh Mai nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trước đó là lãnh đạo của tôi) nên tháng 10/2013 tôi làm giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên (Hội Luật gia Việt Nam) tên gọi cũng do ông Phạm Quốc Anh gợi ý và quyết định, quá trình công tác tại Hội điều mà tôi quan tâm, trăn trở nhất đó chính là hoạt động bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Tiêu điểm - Trăn trở của nữ giám đốc về công tác bảo vệ công lý cho phụ nữ, trẻ em

Bà Đặng Thị Thanh Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên (Hội Luật gia Việt Nam).

NĐT: Trong quá trình công tác tại Trung tâm, điều mà bà ấn tượng sâu sắc nhất là gì?

Bà Đặng Thị Thanh: Đơn vị chúng tôi được sự quan tâm của lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập, đồng chí Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đã dự lễ khai trương, động viên khích lệ anh chị em (lúc đó có 5 cán bộ là những người đã công tác tại Tòa án, Viện Kiểm sát đã nghỉ hưu, nhiều tuổi nhưng rất nhiệt huyết đối với hoạt động bảo vệ trẻ em). Sau đó, lãnh đạo Hội đã có công văn gửi Tòa án các tỉnh trong việc tạo điều kiện cho Trung tâm tham gia đối với các hoạt động bảo vệ trẻ em, nhất là các vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người chưa thành niên.

Từ đó, trong các đợt công tác phổ biến, tư vấn pháp luật của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của các ngành tại các địa phương như: Hội Luật gia các tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Đặc biệt, khi đến với các địa phương tư vấn thì chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nhất là Tòa án các đơn vị, đi tư vấn ở huyện nào thì Chánh án tỉnh phân công Thẩm phán huyện cùng tham gia tư vấn với bà con. Chúng tôi rất trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo Hội Luật gia, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch.

Tiêu điểm - Trăn trở của nữ giám đốc về công tác bảo vệ công lý cho phụ nữ, trẻ em (Hình 2).

Công tác phổ biến, tư vấn pháp luật của Trung tâm đã nhận được sự ủng hộ của các ngành tại các địa phương.

NĐT: Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên ra đời và có sứ mệnh đặc biệt như thế nào, thưa bà?

Bà Đặng Thị Thanh: Trước tiên, phải nói về người đã gợi ý để thành lập Trung tâm là ông Quốc Anh và bà Dương Thị Thanh Mai. Ông Phạm Quốc Anh lúc ấy là Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã động viên, khích lệ chọn tên cho đơn vị, lúc đầu dự định của tôi lấy tên là Trung tâm tư vấn pháp luật cho phụ nữ và trẻ em, nhưng ông Quốc Anh gợi ý đặt trọng tâm là trẻ em nên quyết định chỉ gọi là Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên (tháng 7/2020 đổi tên là Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên).

Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất thầm cảm phục ông Phạm Quốc Anh, chính vì sự quan tâm của ông nên bản thân tôi cũng đã quyết tâm nhận nhiệm vụ thực hiện sự nghiệp tất cả vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ em.

Hoạt động đáng lưu ý của trung tâm là tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho đối tượng người chưa thành niên là người bị hại, nạn nhân trong các vụ án hình sự, trong các vụ hôn nhân gia đình. Người chưa thành niên vi phạm pháp luật, cải tạo, giáo dục tại trường giáo dưỡng và trại giam. Đối tượng trẻ yếu thế (trẻ khuyết tật); người thuộc diện trợ giúp pháp lý…

Tiêu điểm - Trăn trở của nữ giám đốc về công tác bảo vệ công lý cho phụ nữ, trẻ em (Hình 3).

Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện (Ảnh: Các thành viên CLB Nhân Ái Tâm Thanh).

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, trung tâm còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện thông qua Câu lạc bộ Nhân Ái Tâm Thanh (thành lập ngày 20/10/2015) nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như: định kỳ thường xuyên hàng tháng tổ chức phát cơm miễn phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K Tân Triều, tham gia chương trình “Cặp lá yêu thương” nhận cấp dưỡng cho hai cháu mồ côi, các chương trình tặng quà nhân dịp Tết thiếu nhi và giáng sinh tại 2 bệnh viện và Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Hưởng ứng kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc ủng hộ phòng chống Covid 19, ủng hộ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K Tân Triều khẩu trang và nhu yếu phẩm. Đến nay sau tổng kết 5 năm hoạt động, Nhân Ái Câu lạc bộ đã nhận đc sự ủng hộ của thêm 150 tổ chức cá nhân và đã chi cho các hoàn cảnh khó với số tiền trên 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, trung tâm cũng gặp những khó khăn trong hoạt động chuyên môn như: về kinh phí tự thu tự chi…

NĐT: Thưa bà, trong quá trình hoạt động trợ giúp pháp lý, bà và các cộng sự đã có những hoạt động hỗ trợ nổi bật nào?

Bà Đặng Thị Thanh: Có thể nói, điểm nổi bật trong quá trình hoạt động những năm qua của Trung tâm đó là tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho đối tượng là phụ nữ và trẻ em (trong đó có trẻ khuyết tật trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Tp.HCM), phòng chống ma túy, tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh THCS, phòng chống bạo lực gia đình cho phụ nữ ở một số tỉnh, địa phương kể cả vùng sâu, vùng xa.

Tiêu điểm - Trăn trở của nữ giám đốc về công tác bảo vệ công lý cho phụ nữ, trẻ em (Hình 4).

Tuyên truyền phòng chống pháp luật xâm hại tình dục đối với trẻ em khuyết tật. 

“Con ước nhìn thấy gương mặt mình dù chỉ một lần"

NĐT: Trong những chuyến đi tuyên truyền ấy, hoàn cảnh nào khiến bà ấn tượng, khó quên nhất?

Bà Đặng Thị Thanh: Chúng tôi đã tuyên truyền phòng chống pháp luật xâm hại tình dục đối với trẻ em khuyết tật sau chuyến đi tư vấn tuyên truyền pháp luật tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2014, đã cùng nhà trường giải thoát cho cháu gái 15 tuổi đây là trường hợp đau lòng, mẹ mất ở với bố nhưng thường xuyên bị bạn của anh trai xâm hại tình dục, người bố biết chuyện nhưng không phản ứng gì, cháu bé bị xâm hại trong một thời gian dài cho đến khi được tư vấn, nhà trường đã phối hợp chấm dứt được tình trạng này.

Qua sự việc này, chúng tôi nhận thấy một vấn đề đó là có những gia đình coi con bị khuyết tật như một thứ đồ bỏ đi không quan tâm quyền lợi của trẻ, không quan tâm sự thiệt thòi của trẻ. Khi tạm biệt các con hát tặng bài hát do tự sáng tác, câu hát tôi không thể quên đó là ước mong của những đứa trẻ khuyết tật: “Con ước nhìn thấy gương mặt mình dù chỉ một lần, con ước nhìn thấy nụ cười của mẹ dù chỉ một lần”

Đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân và động cơ trẻ vi phạm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình (cha mẹ ly hôn thiếu sự chăm sóc, giáo dục), do sự thiếu hiểu biết về nhận thức pháp luật (trẻ vào trường giáo dưỡng rồi vẫn không biết sai phạm của mình là vi phạm pháp luật).

Tiêu điểm - Trăn trở của nữ giám đốc về công tác bảo vệ công lý cho phụ nữ, trẻ em (Hình 5).

Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại nhiều địa phương.

NĐT: Từ những chia sẻ của bà, có thể nhận thấy đối tượng trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi nếu không được quan tâm, bảo vệ. Vậy, trong thời gian tới, trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên có những kế hoạch gì để bảo vệ quyền lợi, công lý cho nhóm đối tượng này?

Bà Đặng Thị Thanh: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, trẻ tiếp xúc mạng xã hội nhiều bị ảnh hưởng xấu rất nhiều. Thời gian tới, trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền giáo dục cho thanh thiếu niên (học sinh THCS) về các chuyên đề: Học đường không ma túy; phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; phòng chống bạo lực học đường… đây đang là những vấn đề gia đình, nhà trường và xã hội rất quan tâm.

Để góp phần hạn chế sự gia tăng của tội phạm người chưa thành niên, trung tâm cũng tập trung nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên, quan tâm tới nhóm thanh thiếu niên đã có tiền án, tiền sự để phòng chống tái phạm.

Phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

NĐT: Ngoài nhiệm vụ chính bảo vệ công lý cho phụ nữ và trẻ em, hiện nay Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên còn thực hiện những nhiệm vụ gì do Hội Luật gia phân công?

Bà Đặng Thị Thanh: Ngoài các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm còn thực hiện hoạt động được Hội Luật gia phân công về dự án “Nâng cao năng lực phổ biến, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai” từ tháng 01 năm 2021.

Năm 2021 mặc dù giãn cách xã hội nhưng từ cuối tháng 10 đến tháng 12/2021, trung tâm đã tổ chức được 13 cuộc phổ biến tư vấn pháp luật liên quan đến lĩnh vực dất đai (mỗi cuộc trên 50 người), giải quyết được những vướng mắc về tranh chấp đất đai, về thừa kế đất đai nhất là trong khâu giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng gây bức xúc nhiều trong nhân dân, gây vướng mắc giữa cơ quan địa phương và nhân dân, nên đã góp phần ổn định trật tự trên địa bàn, được cấp Ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.

NĐT: Để đạt được những kết quả đó, theo bà nguyên nhân từ đâu và nhiệm vụ trong thời gian tới của trung tâm là gì?

Bà Đặng Thị Thanh: Hầu hết các cán bộ trung tâm đều đã trải qua công tác pháp luật: Toà án NDTC, VKSNDTC, Công an, Bộ Tư pháp,… nhiều cán bộ Trung tâm là người giữ các cương vị lãnh đạo các tòa, các vụ của các cơ quan pháp luật trung ương và địa phương hoặc đã tham gia nhiều chương trình hội thảo trong ngoài nước về pháp luật liên quan đến quyền trẻ em nên có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan quyền trẻ em.

Đặc biệt, ngoài năng lực và kinh nghiệm các anh chị em Trung tâm đều là những người tâm huyết với nghề nghiệp (hoạt động không vì mục đích lợi nhuận) nên làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm đã không quản khó khăn vất vả hết lòng vì trẻ em như khẩu hiệu chúng tôi đã nêu: “Tất cả vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ em” và luôn lấy mục điêu này để phấn đấu.

Đồng thời, có sự phối hợp tốt giữa các ban ngành đoàn thể địa phương, đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Hội để trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chức năng được giao.

Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng trung tâm đặt chỉ tiêu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế. Đồng thời, chú trọng các hoạt động như phương hướng báo cáo năm 2021 đã đề ra, phấn đấu hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao.

NĐT: Xin cảm ơn bà.