Tóc xanh vạt áo dưới góc nhìn của Nhà sản xuất Hoàng Quân

Tóc xanh vạt áo diễn ra trong tinh thần cởi mở, khám phá của người trẻ.

Nối tiếp, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống

Ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo được diễn ra thành công vào ngày 24/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia bày tỏ niềm vui vì sau mỗi mùa, Tóc xanh vạt áo lại càng nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng xã hội, của mọi người nhiều hơn.

Quy tụ tại sự kiện này, có sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ, những người có niềm say mê nghiên cứu về Việt phục.

"Ngày hội là nơi các bạn trẻ có thể đắm chìm trong bầu không khí văn hoá, khoác lên mình những trang phục truyền thống, mang đến những câu chuyện cha ông cũng như kết giao những người bạn mới", TS Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KH XH&NV bày tỏ sau 3 mùa tổ chức thành công trước đó của Tóc xanh vạt áo.

Anh Tôn Thất Minh Khôi, người sáng lập và đồng Trưởng ban tổ chức ngày hội Tóc xanh vạt áo nói: "Lễ hội Tóc xanh vạt áo là minh chứng cho việc người trẻ cũng yêu thích và am hiểu lịch sử khi tất cả các bạn sáng lập thương hiệu đều là những người trẻ, nối tiếp, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và tôn vinh những nét đẹp riêng độc đáo của cổ phục Việt.

Tuần lễ văn hóa Sóng Đôi là cơ hội không chỉ cho các bạn sinh viên, các bạn trẻ mà còn cho cả những người yêu văn hóa Việt Nam tham quan, trải nghiệm không khí văn hóa truyền thống dân tộc với hình thức ngày càng chuyên nghiệp, bài bản".

Văn hoá - Tóc xanh vạt áo dưới góc nhìn của Nhà sản xuất Hoàng Quân

Ngày hội Việt phục với nhiều dấu ấn nghệ thuật truyền thống tại gian nghệ thuật cải lương.

Lồng ghép văn hoá với đa dạng hình thức

Ngày hội Tóc xanh vạt áo mùa thứ 4 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 đơn vị làm văn hoá với hơn 30 gian hàng trải nghiệm trong lĩnh vực văn hoá.

Mỗi đơn vị tham gia đều có những thú vị, lĩnh vực chuyên môn riêng trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam.

Trao đổi cùng Người Đưa Tin, nhà sản xuất Hoàng Quân - nhà sản xuất của các dự án Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn, Con Cám,... cho biết, dù đang bắt tay khởi quay một dự án tại Huế song anh vẫn dành thời gian tham gia ngày hội Tóc xanh vạt áo năm nay.

Anh cho biết, bản thân cảm thấy vui và hứng khởi khi Việt phục, văn hoá truyền thống được nhiều người trẻ yêu mến. Được thấy mọi người diện các trang phục cổ truyền, say sưa tìm hiểu về cổ phục là một thành công lớn.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất Hoàng Quân cũng trò chuyện thêm về các dự án mang đậm tính kinh dị song đầy tính văn hoá đang rất được yêu mến thời gian gần đây.

Anh nói về điểm khác nhau giữa phục trang đời thường và trong phim: "Có những nhân vật đòi hỏi phải có thiết kế riêng, có những dấu ấn hoa văn thật đặc biệt. Ví dụ, trang phục của Thập Nương xuất hiện trên hàng mã bởi cô là một linh hồn chứ không phải con người, do đó trang phục cũng thể hiện được tính cách và bản chất của cô ấy. 

Hoặc ông Thập, một người miền suôi lên núi nên ông mang những nét văn hoá người miền suôi thông qua phục trang nhưng buộc phải có sự điều chỉnh để có sự phù hợp với nơi nơi người đó sống.

Ông Thập sống trên núi nên đồ của ông đều ngắn lên hết để thuận tiện cho việc di chuyển, bắp tay và bắp chân phải buộc có dây quấn lại để đảm bảo côn trùng không chui vào, di chuyển đường núi cũng thuận tiện hơn. 

Đó là một số điểm khác biệt giữa trang phục đời thường và trang phục trong phim".

Để theo sát với các yếu tố văn hoá về thời kỳ, phục trang, đạo cụ... đoàn làm phim của anh nhận được sự cố vấn của Cố vấn sử học Phan Thanh Nam. 

Văn hoá - Tóc xanh vạt áo dưới góc nhìn của Nhà sản xuất Hoàng Quân (Hình 2).

Nhà sản xuất Hoàng Quân tại gian trưng bày phục trang trong phim.

Chia sẻ về thành công liên tiếp của các sản phẩm phim có tính văn hoá, nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết đây là một sự bắt đầu tình cờ nhưng sẽ gắn kết như một mối lương duyên.

"Ban đầu, chúng tôi chỉ trung thành với thể loại phim kinh dị nhưng càng làm chúng tôi càng thấy mình tạo được một cái vệt, dự án trước và các dự án nối tiếp có sự tương đồng về góc nhìn trong xã hội, đặc biệt là văn hoá. 

Chúng tôi bắt đầu áp dụng yếu tố văn hoá, truyền thuyết đô thị vào cách làm phim của mình. Về lâu dài, chúng tôi càng làm càng thấy say mê với điều đó và tự hào với những điểm khác biệt giữa nước mình với nước bạn.

Có nhiều nền văn hoá họ tự hào về ngàn năm song chúng ta cũng chẳng gì thua kém, đó chính là động lực để chúng tôi đi theo con đường này về lâu về dài", nhà sản xuất Hoàng Quân nói.

Có thể thấy, tình yêu văn hoá đã và đang được người những người trẻ kế thừa và phát huy với đa dạng tính sáng tạo. 

Văn hoá - Tóc xanh vạt áo dưới góc nhìn của Nhà sản xuất Hoàng Quân (Hình 3).

Người trẻ hưởng ứng tích cực với Việt phục.

Văn hoá - Tóc xanh vạt áo dưới góc nhìn của Nhà sản xuất Hoàng Quân (Hình 4).

Các nhà sưu tầm, nghiên cứu giới thiệu về cổ phục.

Tóc xanh vạt áo 2024 được tổ chức trong thời điểm kỷ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài (1744 - 2024), tiền thân của chiếc áo dài hiện đại. Ngày hội cũng mong muốn góp phần khẳng định vị thế và vẻ đẹp của áo dài truyền thống trong dòng chảy thời trang đương đại.