Tháo gỡ tồn tại trong cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ

(Chinhphu.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau gần 10 năm thực hiện chính sách về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, những quy định hiện hành về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp, cụ thể như sau:

Phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo Chiến lược phát triển KH&CN theo từng giai đoạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức KH&CN, nhất là các tổ chức sự nghiệp công lập chưa phù hợp dẫn đến đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế để phát huy tính năng động, sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong nghiên cứu. 

Về cơ chế quản lý tài chính cho nhiệm vụ KH&CN: Quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN hiện nay dù đã đổi mới nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học. Quy trình phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo quy định tại khoản 3 Điều 5 vào các Quỹ KH&CN các cấp chưa được thực hiện do các Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, ngành, địa phương theo Điều 7 của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về cơ bản chưa được thành lập. 

Các quy định về việc khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp, cho nên, số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ chưa nhiều và số dư Quỹ chưa sử dụng lớn. Việc quản lý nhà nước về Quỹ áp dụng theo chế độ hậu kiểm, trong khi hướng dẫn nội dung chi còn thiếu cụ thể dễ dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. 

Vì vậy, để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật KH&CN, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình thực hiện cơ chế tài chính và đầu tư đối với hoạt động KH&CN, cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP. 

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 4 nội dung chi ngân sách nhà nước cho KH&CN

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 về kinh phí cải tạo, sửa chữa tài sản công nhằm nâng cấp, mở rộng tài sản công.

Bổ sung điểm đ khoản 1 về việc áp dụng quy định pháp luật về đầu tư đối với các nội dung chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN sử dụng các nguồn vốn khác nhau ngoài nguồn vốn chi đầu tư phát triển từ NSNN.

Sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 quy định về chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Lý do sửa đổi là do Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Để phù hợp với quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quy định tại điểm b khoản 2 sẽ được sửa đổi theo hướng: Ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao và kinh phí được NSNN hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ tài chính.

Bổ sung quy định về mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động thường xuyên theo tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành; mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng của các tổ chức KH&CN công lập; mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nhiệm vụ KH&CN.

Bổ sung quy định về chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm duy trì và hỗ trợ hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, bao gồm: hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ đào tạo về năng lực quản trị, mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo; đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo....

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 về kế hoạch, lập dự toán và phân bổ NSNN cho KH&CN

Theo dự thảo, sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 5 liên quan đến việc phối hợp và vai trò tổng hợp của Sở KH&CN, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn và tổng hợp dự toán ngân sách KH&CN địa phương nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công.

Sửa đổi điểm b khoản 3 về kinh phí dành cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN được chuyển về đơn vị dự toán cấp I hoặc Quỹ phát triển KH&CN các cấp để phù hợp với quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Bãi bỏ quy định tại khoản 4 về việc giao Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN do: Đến thời điểm hiện nay, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã thực hiện được gần 10 năm, tuy nhiên, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN vẫn chưa được ban hành. Hiện nay, các quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật khác có liên quan đã được ban hành và thực thi tương đối hiệu quả nên cần thiết phải bãi bỏ quy định tại khoản 4.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Minh Hiển