Quảng Nam chủ động ứng trực, phòng cháy rừng mùa nắng nóng

(Chinhphu.vn) - Để chủ động phòng cháy rừng mùa khô, ngoài bố trí lực lượng chủ động ứng trực 24/24, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ rừng, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); khi đốt nương rẫy phải làm vành đai đường băng cản lửa.

Hiện nay, thời tiết tại miền Trung đang nắng nóng gay gắt, khô hanh, nhiệt độ có xu hướng tăng cao, gia tăng nguy cơ về cháy rừng. 

Là địa phương có tổng diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước với 681.156 ha (rừng tự nhiên là 462.321 ha, rừng trồng là 218.835 ha), tỉnh Quảng Nam đang tích cực lên phương án PCCCR như tuyên truyền, vận động người dân, tăng cường lực lượng ứng trực để bảo đảm không diễn ra tình trạng cháy rừng mùa nắng nóng.

Ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023, tỉnh Quảng Nam xảy ra 29 vụ cháy rừng, thiệt hai hơn 50 ha rừng. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại địa phương xảy ra 2 vụ cháy rừng nhưng lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phát hiện và kịp thời dập tắt nên không gây thiệt hại về rừng. Nguyên nhân các vụ cháy do thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân đốt thực bì không tuân thủ quy định.

Chi cục kiểm lâm đã phân công cán bộ kiểm lâm đóng điểm 24/24h và tuần tra trong ngày; phối hợp, đôn đốc các lực lượng tại địa phương tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân trong việc sử dụng lửa cũng như phát hiện sớm nguồn lửa trong và gần rừng để kịp thời huy động lực lượng dập, tránh cháy mất kiểm soát. 

"Chúng tôi đã yêu cầu các chủ rừng, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp PCCCR; khi đốt nương rẫy phải làm vành đai đường băng cản lửa", ông Hà Phước Phú cho biết.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành công văn yêu cầu các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng thực hiện nghiêm ông điện của Thủ tướng Chính phủ về chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR.

Các địa phương có rừng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; có phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn.

Triển khai rà soát, xác định cụ thể vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao đến cấp xã, thôn, bản để có phương án PCCCR phù hợp; đặc biệt đối với các vùng trọng điểm có diện tích rừng phòng hộ ven biển vùng Đông của tỉnh cần tăng cường cắt cử lực lượng túc trực phối hợp với lực lượng kiểm lâm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng và sử dụng lửa trong và gần rừng trong những ngày nắng nóng kéo dài.

Thông báo dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng nhằm kiểm soát lửa rừng hiệu quả, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại về rừng. Ngoài ra, chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ", "5 sẵn sàng"; tổ chức cắm biển báo, biển cấm, bảng tuyên truyền về PCCCR tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao.

"Các ban quản lý rừng (chủ rừng) thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng, PCCCR trong lâm phận được giao quản lý, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng và PCCCR tại các chốt, trạm trên từng địa bàn, khu vực quản lý để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao", ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.

Lưu Hương