Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong kiểm soát chất lượng nước

(Chinhphu.vn) - Biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Vì vậy, việc nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật mới trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước là rất quan trọng.

Ngày 22/3, Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam (VINALAB) phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA), Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tổ chức Hội thảo "Chất lượng nước – Những kỹ thuật mới nhất trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng" và khai trương khu trưng bày thiết bị, công nghệ VINALAB – JAIMA 2024.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN), Chủ tịch Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam (VINALAB) cho biết, hội thảo nhằm trao đổi và đưa các tiến bộ KH&CN mới nhất trong bảo đảm và kiểm soát chất lượng nước đến với các nhà khoa học, các nhà sản xuất và các nhà quản lý của Việt Nam và Nhật Bản, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Qua đó, tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong thử nghiệm, phân tích giám sát chất lượng nước và môi trường. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3).

Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nước là vấn đề rất được quan tâm hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và mọi hoạt động của người dân. Việc nghiên cứu các kỹ thuật mới trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước rất quan trọng.

Với mục tiêu "nghiên cứu dựa theo nhu cầu của thị trường", VKIST đang thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp dịch vụ kỹ thuật tiên tiến và nguồn nhân lực công nghệ, kỹ thuật trình độ cao cho các doanh nghiệp và các ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hiện VKIST có 6 nhóm nghiên cứu về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, cảm biến sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường năng lượng và nghiên cứu chính sách về KH&CN.

Trong đó, ở lĩnh vực năng lượng môi trường, VKIST đã có một số công nghệ xử lý nước thải, xử lý nước bị nhiễm phèn, phát triển hệ thống lọc nước…

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu hàng đầu từ Nhật Bản và Việt Nam, các công ty thành viên JAIMA và VINALAB đã trao đổi, thảo luận về các quy định chất lượng nước, xử lý nước, những giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước...

Điển hình như ứng dụng chemometrics (sử dụng các thuật toán toán học và thống kê) trong xử lý và khai phá dữ liệu phân tích nước; phân tích đặc điểm hóa chất vi nhựa trong các mẫu nước; một số kỹ thuật tiên tiến trong xử lý nước và nước thải…

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu làm suy giảm các dòng chảy, nước dưới đất và sự xâm nhập mặn vào mùa khô, kết hợp với tốc độ đô thị hóa phát triển, nước thải sinh hoạt và sản xuất đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các trạm cấp nước. Để giải quyết được chất lượng nguồn nước, trước tiên phải giải quyết vấn đề môi trường, bởi môi trường trong sạch thì đầu vào nguồn nước mới được đảm bảo.

KH&CN được coi như "chìa khóa" để bảo vệ môi trường, nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù chúng ta đã học tập được nhiều kỹ thuật tiên tiến nhưng việc triển khai phải có hệ thống, thiết thực hơn. Các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình vận hành, áp dụng công nghệ mới để bảo đảm an toàn nước, cải thiện chất lượng nước sạch...

Hoàng Giang