Không kịp thoát khỏi nước lũ, 40 học sinh phá nóc nhà kêu cứu

Phát hiện nước lũ nhưng hàng chục học sinh không thể thoát ra kịp, đành phải phá dỡ mái ngói, leo lên nóc nhà cầu cứu.

Giải cứu 40 học sinh ra khỏi khu vực ngập sâu

Tối 27/9, thầy Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn Trường THPT Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi được giải cứu, hiện 40 học sinh đã ổn định sức khỏe. Nhà trường đang kêu gọi quần áo, chăn gối và thức ăn để hỗ trợ các em.

Theo thầy Đạt, khoảng 7h ngày 27/9, nước lũ bất ngờ đổ về thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu khiến nhiều nhà dân bị ngập nặng. Thời điểm này, có 40 học sinh của Trường THPT Quỳ Châu đang ở tại các dãy nhà trọ kế bên trường.

Dân sinh - Không kịp thoát khỏi nước lũ, 40 học sinh phá nóc nhà kêu cứu

Các học sinh leo tường rào thoát khỏi nước lũ. Ảnh Nguyễn Đạt.

Chỉ trong chốc lát, nước lũ dâng cao tới mái nhà khiến toàn bộ tài sản, quần áo và sách vở của 40 em (lớp 10 đến 12) đều bị nhấn chìm trong nước lũ. “Nước lên rất nhanh nên các em không kịp lấy đồ đạc mà chỉ còn cách phá mái ngói rồi leo lên nóc nhà. Cũng may nhà trọ nằm giáp với dãy tường rào của nhà trường nên sau đó các em tìm cách leo qua tường rào”, thầy Đạt kể.

Sau đó, 40 học sinh này được giáo viên trong trường hướng dẫn, hỗ trợ đi men theo tường rào để đi ra khỏi khu vực ngập sâu. Hiện các em được bố trí ở tạm thời trong các phòng học của trường. Bộ phận nhà bếp của trường hiện đang hỗ trợ nấu ăn cho các em.

Dân sinh - Không kịp thoát khỏi nước lũ, 40 học sinh phá nóc nhà kêu cứu (Hình 2).

Nhà trường đã kêu gọi quần áo để hỗ trợ học sinh nội trú. Ảnh Nguyễn Đạt.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Quỳ Châu, mưa lũ kéo dài trong 2 ngày qua đã khiến hàng trăm hộ bị ngập. Những địa phương bị ngập nặng nhất tập trung chủ yếu ở thị trấn Tân Lạc với 195 hộ, xã Châu Tiến với 566 hộ, xã Châu Hạnh có 146 hộ…

Tối 27/9, ông Võ Thái Tịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc thông tin, dù mực nước ở thị trấn đang rút dần nhưng một số vùng còn ngập.

Còn ông Nguyễn Sỹ Luận, Chủ tịch UBND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu cho biết, đến 18h cùng ngày, đoạn Quốc lộ 48 bị sạt lở, ngập nước trên địa bàn xã đã tạm thời được thông tuyến. Nhiều nhà dân vẫn bị ngập, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại...

Nhiều hộ dân bị ngập nặng phải tạm thời tá túc ở các nhà cao ráo hoặc ở nhà văn hóa. Trong ngày mai khi nước rút hẳn, chính quyền địa phương sẽ huy động lực lượng để giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.

1.600 nhà dân bị ngập, hơn 700 người bị cô lập

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS tỉnh Nghệ An, tính đến 17h ngày 27/9, mưa lũ đã khiến 139 người ở huyện Kỳ Sơn phải sơ tán; hơn 700 người ở các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn bị cô lập.

1.600 căn nhà ở các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và Thái Hòa bị ngập (trong đó huyện Quỳ Châu có 1.080 nhà); 830 nhà dân ở các huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp bị cô lập; hơn 100 nhà dân bị ảnh hưởng.

Mưa lớn khiến hơn 1.500ha lúa, 3.000ha hoa mùa bị thiệt hại; gần 2.400 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Dân sinh - Không kịp thoát khỏi nước lũ, 40 học sinh phá nóc nhà kêu cứu (Hình 3).

Chiều 27/9, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu vẫn đang bị ngập. Ảnh Nguyễn Đạt.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương: Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp.

Chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đầy nước; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở.

Quản lý chặt và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, các ngầm, tràn bị ngập, sạt lở, tiến hành cắm tiêu, cử người trực gác, cấm đường, phân luồng... để đảm bảo an toàn.

Dân sinh - Không kịp thoát khỏi nước lũ, 40 học sinh phá nóc nhà kêu cứu (Hình 4).

Nhiều tài sản của người dân bị hư hỏng nặng. Ảnh Nguyễn Đạt.

Bên cạnh đó, nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá... trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.

Tuyệt đối không để người dân có tư tường chủ quan trước, trong và sau mưa lũ. Đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.