“Giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh: Cần những cán bộ dám làm vì nhân dân (Bài 3)

Trước tình trạng thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại các cơ sở y tế công, Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều phương án để phù hợp với thực tiễn.

"Mổ xẻ" vấn đề, tìm lời giải cho vấn đề thiếu hụt

Để mổ xẻ vấn đề, tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh tồn tại nhiều tháng qua, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Võ Viết Quang - Trưởng phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Quang cho biết, địa phương có hơn 1,54 triệu người tham gia BHYT (tỷ lệ bao phủ đạt 94%). Riêng tháng 3/2023, có hơn 175 nghìn người tham gia BHYT đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Việc thiếu thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia BHYT và chất lượng khám, chữa bệnh.

Kết quả giám sát của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh ngày 4/4/2023 về tình hình cung ứng thuốc, thiết bị, hóa chất trong khám, chữa bệnh BHYT cho thấy, thiếu hoàn toàn 140 loại thuốc tại 12 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó chủ yếu là vị thuốc y học cổ truyền, dược liệu. Những thuốc này tổ chức đấu thầu tập trung nhưng không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu hoặc nhà thầu dự thầu nhưng không trúng thầu do vượt giá.

Xã hội - “Giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh: Cần những cán bộ dám làm vì nhân dân (Bài 3)

Lượng bệnh nhân lớn, hiện Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh đang rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm phục vụ khám, chữa bệnh.

Thiếu không hoàn toàn 59 loại thuốc tại 7 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Những thuốc này không trúng thầu tuy nhiên cơ sở khám, chữa bệnh còn tồn kho theo kết quả thầu cũ hoặc có thể chuyển sang sử dụng loại khác thay thế.

Thiếu hoàn toàn 59 loại vật tư y tế, hóa chất tại 5 cơ sở khám, chữa bệnh do chưa có kết quả thầu mới, nhà thầu không đồng ý gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận khung mua sắm tập trung theo chủ trương của UBND tỉnh tại văn bản số 187/UBND-TH1 về việc gia hạn thời gian thực hiện Thỏa thuận khung mua sắm tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm của Ngành Y tế năm 2020 hoặc đồng ý gia hạn nhưng không có nguồn hàng. Thiếu không hoàn toàn 78 loại vật tư y tế, hóa chất tại 4 cơ sở khám chữa bệnh do nhà thầu không đồng ý ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận khung mua sắm tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm.

Tại thông báo Kết luận của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 27/4/2023 mới đây giao: “Sở Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo cơ sở y tế tổ chức thực hiện mua sắm kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, phục vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh”.

Xã hội - “Giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh: Cần những cán bộ dám làm vì nhân dân (Bài 3) (Hình 2).

Từng ngày, từng giờ, các bệnh nhân tham gia BHYT đang rất thiệt thòi quyền lợi.

Thông báo của UBND tỉnh là vậy, trong khi, thỏa thuận khung đã hết hiệu lực vào ngày 28/4/2023, các bệnh viện không thể ký hợp đồng tự mua sắm. Bởi bệnh viện tự mua sắm (gói dưới 100 triệu đồng) cũng vi phạm vì các mặt hàng vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiếu đều thuộc danh mục mua sắm tập trung.

“Chỉ đạo của UBND tỉnh đã không đưa ra được hướng giải quyết cho thực trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm đã và đang diễn ra hơn 9 tháng nay. Mấy từ đúng quy định, đúng pháp luật, chịu trách nhiệm cứ ám ảnh trước những việc cụ thể trong thực tiễn cạnh những văn bản chung chung”, một lãnh đạo bệnh viện sau khi tiếp nhận thông báo nói trên thở dài chia sẻ.

Cần có phương án cụ thể để cán bộ dám làm vì dân

Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Giải pháp trước mắt, UBND tỉnh đồng ý cho phép các đơn vị tự tổ chức mua sắm để đảm bảo vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Hiện nay thỏa thuận khung cũng đã hết hiệu lực vào ngày 28/4, các bệnh viện không thể ký hợp đồng tự mua sắm. Thế nhưng nếu bây giờ bệnh viện tự mua sắm (gói dưới 100 triệu đồng) cũng vi phạm vì các mặt hàng vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiếu đều thuộc danh mục mua sắm tập trung.

Xã hội - “Giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh: Cần những cán bộ dám làm vì nhân dân (Bài 3) (Hình 3).

Hà Tĩnh cần sớm có giải pháp cụ thể “giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm.

Theo một lãnh đạo Sở Tài Chính Hà Tĩnh, tất cả các vướng mắc kể trên chưa tháo gỡ được bởi vướng một số điều trong Quyết định 172/QĐ-UBND/14-01-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với trang thiết bị Y tế phục vụ khám chữa bệnh có giá từ 100 triệu đồng/thiết bị trở lên thì phải tổ chức đấu thầu tập trung. Hiện, Sở Tài Chính đang hoàn tất dự thảo sửa đổi một số điều trong Quyết định 172 để sớm trình lãnh đạo UBND tỉnh.

Trả lời câu hỏi của PV, liệu có nên đề xuất bãi bỏ đấu thầu, mua sắm tập trung và giao quyền tự chủ cho các sở, ngành, đơn vị khám, chữa bệnh hay không? Vị lãnh đạo này cho hay, không thể bãi bỏ đấu thầu, mua sắm tập trung được bởi sẽ sai theo quy định của Luật và Nghị định về quản lý, sử dựng tài sản công.

Vị này cũng lý giải, mua sắm tập trung sẽ tổ chức đấu thầu với số lượng lớn nên có khả năng lựa chọn được những nhà thầu lớn, có năng lực qua đó đảm bảo chất lượng hàng hóa, chế độ bảo hành, bảo dưỡng; giá mua sắm có thể tiệm cận giá bán buôn. Mua sắm tập trung thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi do đó sẽ tăng tính công khai, minh bạch trong mua sắm và sử dụng tài sản Nhà nước. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát đối với đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện mua sắm tập trung thuận lợi hơn việc kiểm tra, giám sát trên diện rộng.

Mặt khác, thay vì các đơn vị phải tự tổ chức đấu thầu nhiều lần, nhiều đợt riêng lẻ, rất mất thời gian, nhân lực ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung giảm thời gian, chi phí, nhân lực tổ chức đấu thầu giúp các đơn vị tập trung hơn cho công tác chuyên môn của mình; tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Hạn chế được tình trạng giá vật tư y tế, hóa chất có sự chênh lệch lớn dẫn đến giá các dịch vụ khám, chữa bệnh không đồng đều tại các cơ sở y tế công lập nhất là các cơ sở y tế nhỏ, vùng sâu, vùng xa từ đó hỗ trợ gián tiếp cho người dân. Ngoài ra, giá các hàng hóa thống nhất trên địa bàn rất thuận lợi cho các đơn vị thực hiện thanh toán, quyết toán.

Xã hội - “Giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh: Cần những cán bộ dám làm vì nhân dân (Bài 3) (Hình 4).

Bệnh nhân tham gia BHYT “thiệt đơn thiệt kép” khi phải thanh toán gấp nhiều lần chi phí điều trị thông thường.

“Thật ra, các cơ sở Y tế họ cũng không muốn làm (tổ chức đấu thầu – PV) bởi họ là người làm công tác chuyên môn. Việc đấu thầu tập trung là cần thiết, đảm bảo được đúng quy định về mặt pháp luật về quản lý, sử dụng tại sản công. Cái cần điều chỉnh ở đây là một số điều trong Quyết định 172 của UBND tỉnh hiện đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần đưa ra để giải quyết bài toán trước mắt. Sở Tài Chính cũng đã đề xuất trong dự thảo là giao quyền tự chủ mua sắm cho các đơn vị nhưng đề ra định mức mua sắm cụ thể (dưới 200 hoặc 300 triệu đồng/gói)”, vị này nói.

“Có làm gì thì cái quan trọng nhất là phải có những hướng dẫn, phương án cụ thể chứ không phải là những văn bản hướng dẫn chung chung. Có phương án cụ thể thì cán bộ mới dám làm vì nhân dân được”, một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh nhấn mạnh.