Giá dầu tăng mạnh - lạm phát tăng cao, nhà đầu tư ứng phó thế nào?

Giá dầu tăng phi mã do xung đột Nga - Ukraine kéo theo lạm phát tăng mạnh; kịch bản về lạm phát đình đốn tuy thấp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Câu hỏi được đặt ra là - nhà đầu tư nên ứng phó thế nào nếu kịch bản xấu nhất xảy ra?

Giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng đi lên, đặc biệt sau những thất bại liên tiếp trong việc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 24/3,giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 114,5 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent duy trì mức 121,6 USD/thùng.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu thế giới đã tăng gấp gần hai lần. Việc tăng của giá dầu tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm và giá hàng hoá trong lưu thông, gia tăng áp lực cũng như tăng kỳ vọng về lạm phát.

Trái với mức tăng trưởng phi mã của giá dầu, thị trường tài chính toàn cầu lao dốc do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, trong chương trình AI Money Talk #05: "Chiến sự leo thang - Sẵn sàng ứng phó" được tổ chức bởi Novaon Capital, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MB nhận định đây chỉ là xu hướng sụt giảm ngắn hạn.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Nguyên viện trưởng CIEM cũng lạc quan về triển vọng của thị trường tài chính nhờ những thay đổi tích cực của kinh tế Việt Nam nói chung. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá tăng trưởng ổn định trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Quỹ Novaon Capital: Trong bối cảnh lạm phát, các kênh đầu tư tài chính như tiền ảo, chứng khoán, bất động sản (BĐS) được đông đảo các nhà đầu tư coi là những kênh "trú ẩn" tài sản an toàn để bảo toàn và sinh lời vốn.

Theo ông, các giao dịch thương mại giữa Nga - Ukraine không chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch thương mại. Tuy nhiên, cuộc xung đột vẫn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt đến các hàng hóa cơ bản như dầu mỏ. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ nên phải chịu áp lực lớn về lạm phát.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu đóng góp 3% trong chỉ số tiêu dùng CPI còn các nhóm hàng hoá liên quan đến giao thông vận tải chiếm khoảng 9,7%. Nhưng trên thực tế, xăng dầu và giao thông lại là yếu tố đầu vào sống còn của nhiều doanh nghiệp, góp phần tạo ra thị trường hàng hoá sôi động. Theo đánh giá từ phía chứng khoán MB, giá dầu Brent ở mức 120 USD/thùng có thể kéo lạm phát Việt Nam tăng lên 0,8 - 0,9%; hoặc 1,2 - 1,4% nếu giá dầu Brent chạm mức 130 USD/thùng.

Theo ông Tuấn, biến động của thị trường tài chính dù gây áp lực lớn lên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng cũng tạo cơ hội giúp mặt bằng cổ phiếu quay lại mức giá hấp dẫn đối với những nhà đầu tư dài hạn.

Đồng tình với quan điểm của ông Tuấn, ông Nguyễn Minh Quý cho rằng: Nhà đầu tư nên cân nhắc tăng tỷ trọng các tài sản trú ẩn như vàng và tiền mặt trong năm 2022. Tuy nhiên, tiền mặt có nguy cơ bị mất giá trị trước sức ép lạm phát nên kênh đầu tư với lợi nhuận tích cực như cổ phiếu vẫn nên nhận được sự quan tâm.

Trong chương trình, ba vị chuyên gia đã chia sẻ về các ngành tiềm năng trong ngắn hạn và trung hạn. Theo ông Võ Trí Thành, ba nhóm ngành thiên thời trong năm nay là Năng lượng, Xây dựng và Lương thực. Theo ông Nguyễn Minh Quý, Thép, Năng lượng - Hóa chất và Cảng biển là 3 ngành nên được ưu tiên. Khác với 2 diễn giả, ông Công Tuấn lại chọn nhóm ngành Thép, Thủy sản và Phân bón.

Giá dầu tăng mạnh - lạm phát tăng cao, nhà đầu tư ứng phó thế nào? - Ảnh 1.

Các diễn giả chia sẻ về những nhóm ngành tiềm năng trong năm 2022.

Về trung hạn, cả ba diễn giả đều ưu tiên các cổ phiếu Bất động sản khu công nghiệp nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo CBRE Việt Nam, triển vọng của bất động sản công nghiệp sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022, thậm chí kéo dài sang 2023. Trước đó, theo thống kê của SSI, năm 2021, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp niêm yết đã tăng 62%.

Ông Nguyễn Minh Quý đánh giá cao cổ phiếu Ngân hàng trong trung hạn. Khi kinh tế phục hồi, ngân hàng sẽ trở thành nhóm ngành chủ chốt và được hưởng lợi nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gia tăng.

Ngược lại, ông Hoàng Công Tuấn có đánh giá trung tính về ngành Ngân hàng. Theo nhận định của ông, nợ xấu tiềm ẩn trong ngành Ngân hàng sẽ có xu hướng tăng. Trong hơn hai năm đại dịch Covid-19, việc Ngân hàng Nhà nước thông qua nhiều chính sách hỗ trợ khiến các ngân hàng chưa cần phải chuyển đổi nhóm nợ và hạch toán nợ xấu.

Trái lại với quan điểm về nợ xấu của ông Tuấn, ông Nguyễn Minh Quý cho rằng ngành Ngân hàng đã hoạt động rất tích cực trong năm qua, dựa trên tình hình quý IV năm 2021. Đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình, ngành Ngân hàng sẽ là một lựa chọn hoàn hảo với lợi nhuận trung bình 20-30%.

"AI Money Talk" là chuỗi Webinar về đầu tư được tổ chức chính bởi Tập đoàn Novaon và Quỹ Novaon Capital - Quỹ đầu tư bằng công nghệ AI tiên phong tại Việt Nam. Mỗi Webinar sẽ bàn luận về một khía cạnh của thị trường đầu tư với sự tham gia của các khách mời là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế - tài chính.

Webesite Novaon Capital: https://www.novaoncapital.com/

Fanpage Novaon Capital: https://www.facebook.com/NovaonCapital

Youtube Novaon Group: https://www.youtube.com/c/NOVAONChannel

https://cafef.vn/gia-dau-tang-manh-lam-phat-tang-cao-nha-dau-tu-ung-pho-the-nao-20220325165557236.chn

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế