F0 đã âm tính vẫn mất khứu giác - vị giác có đáng lo? Chuyên gia trả lời

Không ít trường hợp mắc Covid-19 sau khi đã khỏi vẫn còn tình trạng mất mùi vị dẫn tới ăn uống kém. Điều này có đáng lo?

Chị Huyền Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã âm tính được 7 ngày sau khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, chị Huyền Anh vẫn còn tình trạng mất mùi vị, khiến cho chị ăn uống kém. Chị lo ngại nên lên mạng chia sẻ và mong nhận được sự giúp đỡ cải thiện tình trạng mất vị giác. Điều làm chị Huyền Anh băn khoăn có cần đi khám hay không.

Cũng giống trường hợp của chị Huyền Anh, anh Lê Phong (29 tuổi tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bị mất vị giác và khứu giác dù đã test nhanh âm tính. Anh Phong lo lắng việc mất khứu giác và vị giác có nghĩa là virus vẫn đang còn và có thể chuyển nặng bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết mất vị giác và khứu giác là đặc trưng của Covid-19, không phải dấu hiệu cho thấy bệnh nặng lên.

Mất vị giác khứu giác có thể xuất hiện ngay ở giai đoạn bắt đầu có triệu chứng hoặc gần hết triệu chứng. Có những trường hợp F0 đã âm tính vẫn còn tình trạng mất vị giác, khứu giác. Tình trạng này sẽ tự hết sau một thời gian nhưng vô hại.

Điều rắc rối lớn nhất của tình trạng mất vị giác và khứu giác là khiến mọi người chán ăn, ăn kém, ăn gì cũng thấy nhạt nhẽo. Để khắc phục tình trạng này, mọi người nên chia nhỏ bữa, ăn thức ăn dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu.

F0 đã âm tính vẫn mất khứu giác - vị giác có đáng lo? Chuyên gia trả lời - Ảnh 1.

Mắc Covid-19 chán ăn, ảnh minh hoạ.

Theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mất vị giác, khứu giác do Covid-19 sẽ tự phục hồi, tuy nhiên một số ít trường hợp kéo dài hơn. Hiện chưa có biện pháp nào điều trị đặc hiệu cho tình trạng này.

Để cải thiện tình trạng này, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, áp dụng chế độ ăn cân bằng, giàu protein, đủ năng lượng để giai đoạn phục hồi diễn tiến thuận lợi.

Trong chế độ dinh dưỡng cần ưu tiên ăn đủ chất đạm. Một người cân nặng khoảng 50 kg cần ăn trung bình 200 g thịt, cá một ngày.

Bên cạnh đó, cần ăn 300-400 g các loại rau quả, mỗi ngày. Nếu chưa ăn được nhiều trong mỗi bữa chính cần bổ sung các bữa phụ, thêm thực phẩm dinh dưỡng như sữa, món ăn nguồn gốc từ sữa.

Đối với người có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận... cần được bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn chuyên biệt về dinh dưỡng phù hợp. Bạn theo dõi cân nặng, nếu sụt cân thì cần tăng lượng thức ăn thêm khoảng 25-30% và tăng 50-85% đạm (thịt, cá...) so với hiện tại.

Nhiều người ăn các loại gia vị, muối, đường, quá cay, quá nóng, quá nồng... để mong lấy lại vị giác, khứu giác. PGS Niên khuyến cáo cách này thực tế chưa cho thấy hiệu quả và không tốt cho sức khỏe.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết để tăng cường dinh dưỡng cho F0 và người mới khỏi Covid-19, người bệnh cần ăn đủ 4 nhóm chất: chất bột đường (tinh bột), chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh, người bệnh cần bổ sung thêm chế phẩm probiotic (sữa chua, uống chế phẩm) sẽ giúp ngon miệng hơn.

https://soha.vn/f0-da-am-tinh-van-mat-khuu-giac-vi-giac-co-dang-lo-chuyen-gia-tra-loi-20220319115455898.htm