Đề nghị truy tố 254 bị can trong vụ sai phạm tại cục đăng kiểm

Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến tiêu cực ngành đăng kiểm.

Ngày 26/3, Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Tp.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Cụ thể, 254 bị can bị đề nghị truy tố trong nhóm 11 tội danh: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.

Trong đó, bị can Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến 7/2021) bị đề nghị truy tố về 2 tội: Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

6 bị can bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có bị can Nguyễn Vũ Hải (phó cục trưởng từ năm 2010 - tháng 12/2023).

132 bị can bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ, trong đó có bị can Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam).

53 bị can bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ; 5 bị can bị đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ;…

An ninh - Hình sự - Đề nghị truy tố 254 bị can trong vụ sai phạm tại cục đăng kiểm

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt với Đặng Việt Hà, Cựu Cục Trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam.

Theo kết luận điều tra, trong quyền hạn, nhiệm vụ được phân công, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu thông.

Tuy nhiên, các bị can là lãnh đạo, đăng kiểm viên VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra theo quy định.

Đồng thời nhận hối lộ từ các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ để bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định.

Sau khi nhận tiền, các lãnh đạo, và đăng kiểm viên chia tiền theo tỷ lệ Trần Anh Quân (quyền Trưởng VAR) 700.000 đồng/hồ sơ, bao gồm phần Quân được hưởng, phần Quân dùng ngoại giao tiếp khách, và chia cho lãnh đạo Cục là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà; các phó VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ.

Như vậy, mỗi tháng khi nhận hối lộ của các công ty thiết kế, các đăng kiểm viên sẽ tính toán, kiểm đếm số lượng hồ sơ và chia tiền. Nhận được tiền, Quân tiếp tục chia cho Trần Kỳ Hình 60 triệu đồng/tháng, và Đặng Việt Hà 20 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 8/2021, khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu và Đặng Việt Hà được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng. Trong một cuộc họp, Đặng Việt Hà yêu cầu VAR báo cáo chính xác số liệu hồ sơ thẩm định thiết kế hằng tháng, thì được mọi người trong phòng hiểu phải chia cho Hà tỷ lệ cao nhất.

Từ đó, số tiền được chia lại theo tỷ lệ Hà 400.000 đồng/hồ sơ, Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các phó phòng mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ, đưa vào quỹ ngoại giao 140.000 đồng/hồ sơ, các nhân viên văn phòng mỗi người 40.000 đồng/hồ sơ.

Đến tháng 12/2022, lo sợ bị công an phát hiện sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Đặng Việt Hà đã trả lại 5 tỷ đồng cho Trần Anh Quân.

Tại CQĐT, Trần Anh Quân thừa nhận hành vi và khai, số tiền hối lộ nhận được, Quân chi cho Trần Kỳ Hình 1,68 tỷ đồng, chia cho Đặng Việt Hà hơn 5,9 tỷ đồng, Quân hưởng lợi hơn 11,5 tỷ đồng.

T.M (tổng hợp)