Chuyên gia cảnh báo mặt trái của việc hỏi bệnh 'bác sĩ Google': Cẩn thận lọt hố sâu!

Nhiều người có thói quen lên google tra cứu thông tin mỗi khi cơ thể xuất hiện triệu chứng lạ. Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể tạo cảm giác lo lắng không cần thiết.

Cô Beth Skrzyniarz đến từ Franklin, bang Massachusetts, Mỹ từng nhập viện với tình trạng không thể nhớ rõ những vấn đề đã xảy ra trước đó. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm và nhận thấy không có gì bất thường. Họ kết luận rằng tình trạng của Skrzyniarz là một giai đoạn của chứng mất trí nhớ tạm thời và Skrzyniarz được phép xuất viện.

Nhưng sau khi về nhà, Skrzyniarz đã tìm hiểu một số thông tin trên mạng về chứng mất trí nhớ tạm thời. Cô bắt đầu lo lắng sau khi đọc một số bình luận trên các trang mạng mà mình tìm kiếm.

Ngoài mất trí nhớ, Skrzyniarz cũng có triệu chứng tê và ngứa râm ran. Cô nghĩ rằng rất có thể đây là những triệu chứng của bệnh đa xương cứng và trở nên lo lắng và bất an. Điều này khiến Skrzyniarz không thể tập trung vào việc gì khác ngoài bệnh tình của mình. 

Một trường hợp khác, Mikaela Markham từ Ridgefield, bang Connecticut, Mỹ đã gặp phải tình trạng nhịp tim không đều và đau dạ dày nghiêm trọng. Vì đặt lịch hẹn với bác sĩ quá khó, phải mất tới nhiều tuần, cô bắt đầu tìm kiếm trên mạng để xem mình nên làm gì để giảm đau. Thậm chí, có một số ngày cô dành 7 tiếng cho việc tìm kiếm này.

“Tôi đang ở trường và bụng rất đau, vì vậy việc cần thiết ngày lúc này là tìm kiếm những cách để cảm thấy dễ chịu hơn vì các cơn đau khiến tôi không thể chịu nổi”, Markham nói.

Chuyên gia cảnh báo mặt trái của việc hỏi bệnh bác sĩ Google: Cẩn thận lọt hố sâu! - Ảnh 1.

Nhiều thông tin về sức khỏe thiếu chính xác trên mạng có thể khiến bạn lo lắng quá mức. Ảnh minh họa

Chuyên gia cảnh báo tác hại của hỏi bệnh 'bác sĩ Google'

Giống như nhiều người khác, Skrzyniarz và Markham đã rơi xuống ‘hố sâu’ của việc tự chẩn đoán. 

Hiện nay, không khó để tìm kiếm các thông tin về sức khỏe trên các trang mạng chỉ bằng một cú nhấp chuột.

PGS. BS Ateev Mehrotra tại Trường Y Harvard và Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, Massachusetts, Mỹ, thừa nhận rằng việc lo lắng sau khi tìm đọc thông tin sức khỏe trên mạng có thể tiềm ẩn nhiều bất cập.

“Bạn bị đau đầu và tìm đến các hội nhóm, nơi mọi người chia sẻ những thông tin, mẹo và câu chuyện về chứng đau đầu mà họ đang gặp phải. Nhưng những ai bị đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng, chiếm khoảng  90 – 95% phần trăm những người bị đau đầu, sẽ ít khi đăng bài lên các hội nhóm này. Những người bị đau đầu dữ dội do chảy máu não hoặc mắc bệnh ác tính thì có nhiều khả năng đăng bài về tình trạng của mình hơn”.

Jade Wu, chuyên gia tại Khoa Tâm thần và Khoa học hành vi tại Đại học Y Duke (Mỹ), cho biết ranh giới giữa việc trở thành một người có kiến thức về sức khỏe và việc rơi vào lỗ hổng của tự chẩn đoán là rất mong manh. 

“Tất cả chúng ta đều có xu hướng mắc phải tình trạng được gọi là ‘thiên kiến xác nhận’, khuynh hướng tìm kiếm một cách vô thức nhưng có chọn lọc thông tin mà xác nhận điều chúng ta đã tin vào. Khi bạn nhận được 20 kết quả tìm kiếm trên Google, mắt bạn sẽ tự động bị thu hút vào các  phần nói về những gì bạn đã nghi ngờ và điều này có thể khiến bạn lọt ‘hố sâu’ của tự chẩn đoán. Nếu một điều nào đó trông có tính thuyết phục bạn thì rất có thể bạn sẽ loại bỏ các ý kiến khác”, Wu cho biết.

“Đáng nói, điều này có thể làm tăng cảm giác lo lắng của bạn. Ngoài ra, việc các bác sĩ online đưa ra câu trả lời không đúng với ý bạn cũng sẽ khiến bạn ít tin tưởng vào họ hơn, điều này tạo ra cảm giác chán nản và thất vọng”, Wu cho biết thêm.

Làm thế nào để tìm kiếm thông tin về sức khỏe chính xác trên Google?

Tìm kiếm ở những trang đáng tin cậy

PGS Mehrotra khuyên bạn hãy xem xét chất lượng của các trang web bạn đang truy cập. 

“Các trang web y tế như Web MD hoặc Mayo Clinic cung cấp cho bạn thông tin chất lượng cao và khách quan hơn so với các hội nhóm”, PGS Mehrotra nói.

Nhiều người có thói quen xem thông tin trên các hội nhóm, nhưng các chuyên gia đều khuyên bạn nên không nên làm điều này.

“Bạn có thể coi đây là các thông tin mang tính tham khảo và tránh đưa ra kết luận trước khi tham khảo ý kiến ​​bác sĩ”, Wu lưu ý.

Chuẩn bị các câu hỏi để hỏi bác sĩ 

Wu cho biết: “Để tránh rơi vào tình trạng tranh cãi với các bác sĩ, tôi khuyên bạn nên trình bày suy nghĩ của mình dưới dạng câu hỏi”. 

“Thay vì nói ‘Tôi đã tìm hiểu về các triệu chứng của mình và tôi nghĩ đó là bệnh X’, hãy thử hỏi ‘Bác sĩ có thể cho tôi biết thông tin về bệnh X không?’. Hãy thể hiện bạn là người cởi mở bằng cách hỏi ý kiến ​​của bác sĩ”.

“Với tâm lý lo lắng, chúng ta có xu hướng chỉ muốn nhận được một câu trả lời dứt khoát. Thay vì ép bác sĩ trả lời ‘có’ hoặc ‘không’, hãy hỏi về các bước tiếp theo bạn nên làm và các phương tiện mà bạn có thể sử dụng để tìm hiểu thêm”, Wu giải thích.

Chuyên gia cảnh báo mặt trái của việc hỏi bệnh bác sĩ Google: Cẩn thận lọt hố sâu! - Ảnh 3.

Chuẩn bị câu hỏi để trao đổi thêm với bác sĩ chứ không nên tự kết luận các triệu chứng của mình. Ảnh minh họa

Đừng tự chẩn đoán

Cả Wu và PGS Mehotra đều cảnh báo về thiên kiến xác nhận. Chuyên gia nói: “Ngoài các triệu chứng bạn nhận thấy, các bác sĩ cần phải xem xét thêm các yếu tố như tiền sử sức khỏe cá nhân và gia đình, các loại thuốc sử dụng, hoàn cảnh xã hội và các yếu tố khác.”

Nếu bạn cảm thấy chưa tin tưởng câu trả lời của bác sĩ, bạn luôn có thể tìm gặp bác sĩ thứ hai.

Giữ cho mình luôn bận rộn

“Nghĩ quá nhiều về một điều thực sự có thể làm chậm quá trình khám phá các vấn đề khác”, Wu nói. “Tôi khuyên bạn nên tạm thời tránh xa khỏi máy tính, điện thoại và tham gia vào các hoạt động khác hấp dẫn và thú vị hơn như đi dạo, tán gẫu hoặc xem TV”. 

Wu nói thêm rằng càng có nhiều thời gian cho các hoạt động mang lại niềm vui và có ý nghĩa, bạn càng ít bị thu hút vào các ‘hố sâu’ này hơn.

(Nguồn: NBC News)

https://soha.vn/vi-sao-khong-nen-hoi-benh-bac-si-google-chuyen-gia-canh-bao-tac-hai-kho-luong-20220321121724877.htm