Chủ tịch LCG: "Lần đầu tiên trong đời tôi thấy xài càng nhiều tiền, càng được khen".

Năm nay, doanh thu của LIZEN chủ yếu đến từ 4 dự án gồm cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Vũng Áng - Bùng, Vành đai 4 Hưng Yên, Tân Phúc - Võng Phan và Biên Hòa Vũng Tàu. Công ty cũng đang tập trung đẩy mạnh dự án Chi Lăng – Hữu Nghị và một dự án khác chưa đủ điều kiện công bố.

Sáng ngày 27/4, CTCP LIZEN (mã chứng khoán LCG) đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2024.

Kế hoạch doanh thu tăng 20%, lợi nhuận sau thuế tăng 30%

Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu 2.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu tập trung chính ở các dự án giao thông và xây lắp điện, giá trị 2.274 tỷ, chiếm 95% tổng kế hoạch năm. Các dự án trọng điểm có thể kể tên như cao tốc Vũng Áng - Bùng, cao tốc Nha Trang - Vân Phong và Vành đai 4 - Hà Nội; riêng dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong dự kiến mang về doanh thu cao nhất với 850 tỷ đồng. 

Ngoài lĩnh vực xây dựng, LCG cũng triển khai các dự án bất động sản như Khu dân cư Hiệp Thành và Nam Phương City….

Lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 131 tỷ đồng, tăng 30%. LCG kỳ vọng năm 2024 là năm bứt phá thực hiện các mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 với loạt dự án quy mô lớn đi vào thi công. Trong đó, 3 dự án lớn nhất là cao tốc Vũng Áng - Bùng, cao tốc Nha Trang - Vân Phong và Vành đai 4 - Hà Nội đã được khởi công.

Đáng chú ý, cập nhật đến ngày 13/4, dự án cao tốc Nha Trang - Vân Phong đang vượt tiến độ hơn 2% so với kế hoạch và dự kiến "về đích" trước 6 tháng. Được biết, đây là gói thầu XL01 trong dự án do Liên danh CTCP Lizen (C4G), CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C và Công ty Hải Đăng thi công với chiều dài 52,25km.

Về lĩnh vực bất động sản, LCG cũng đẩy mạnh triển khai các dự án bất động sản để hoàn thành đúng kế hoạch. Theo đó, dự án Khu dân cư Hiệp Thành (Tp.HCM) đã hoàn tất công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ Khách hàng. Về dự án Nam Phương City (Lâm Đồng) đã hoàn tất xây dựng nhà thô đối với khu 13,3 ha và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của khu 3,4ha. Song song đó, LCG cũng triển khai các thủ tục pháp lý các dự án mới tại các địa phương như Ninh Thuận, Thanh Hóa, Lâm Đồng để đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh trong giai đoạn đến năm 2025.

Ngoài ra, hai dự án điện gió là Thăng Hưng và Đình Lập vẫn đang chờ khung giá mua bán điện NLTT phát hành bởi EVN trong khi cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án điện và luật điện lực đang được Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận.

Tại sao lợi nhuận giảm trong khi doanh thu tăng gấp đôi?

Năm 2023, theo báo cáo của ông Cao Ngọc Phương - Tổng Giám đốc Công ty – đây là năm khó khăn chung của nền kinh tế, động lực đầu tư công hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực. Trong năm, LCG tập trung chính cho dự án đầu tư công, không ưu tiên cho dự án dạng PPP, liên tục trúng thầu hoặc được chỉ định nhiều gói thầu thầu xây dựng thi công như cao tốc Vũng Áng – Bùng, cao tốc Vân Phong – Nha Trang, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, cụm dự án tỉnh Hưng Yên.

Nhờ đó, Công ty ghi nhận doanh thu gấp đôi lên 2.007 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng xây lắp 1.785 tỷ đồng tại dự án Quốc lộ 45 Nghi Sơn, Vân Phong – Nha Trang, cao tốc Vũng Áng – Bùng…. Mảng bất động sản mang về 81 tỷ đồng và các đơn vị thành viên 141 tỷ đồng.

Tuy vậy, lợi nhuận ròng giảm phân nửa xuống 103 tỷ đồng. Tổng Giám đốc cho biết nguyên nhân là do trong năm 2022 ghi nhận hoạt động chuyển nhượng vốn tại công ty thành viên và lợi nhuận 2023 còn bị ảnh hưởng giảm do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

"Lần đầu tiên thấy xài càng nhiều tiền càng được khen"

Trong bối cảnh đẩy mạnh đầu tư công, Chủ tịch LCG nói: "Lần đầu tiên trong đời tôi thấy xài càng nhiều tiền (PV – tức LCG xúc tiến nhanh tiến độ làm dự án), càng được khen".

Một điểm cũng được cổ đông quan tâm và vấn đáp bên lề Đại hội, liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn gần 2.540 tỷ đồng, LCG đã lập dự phòng hơn 152 tỷ đồng (số liệu tại BCTC kiểm toán 2023), ông Hùng cho biết thực tế Công ty đã và đang nỗ lực thu hồi nợ. Trong đó, tín hiệu tốt là một số bên cấn trừ nợ bằng bất động sản. Năm qua, LCG đã nhận thu hồi bằng dự án ở Quy Nhơn. "Chúng tôi chỉ nhận những dự án có giá hợp lý. Đơn cử có một bên xin trả bằng dự án bất động sản nhưng định giá cao gấp 2 lần giá trị hợp lý thì LCG không đồng ý", ông nói thêm.

Chủ tịch LCG:

Chủ tịch LCG:

Thảo luận tại Đại hội

1. Vì sao doanh thu 2023 không đạt kế hoạch?

Ông Cao Ngọc Phương – CEO: Doanh thu 2023 không đạt kế hoạch do doanh thu xây lắp cao tốc chiếm tỷ trọng chính. Phần liên quan đến bàn giao mặt bằng của chủ đầu tư là vấn đề nan giải của tất cả dự án đầu tư công, với LIZEN thì cụ thể là dự án Biên Hòa – Vũng Tàu bàn giao rất chậm. Mặt khác, thủ tục đấu thầu của chủ đầu tư với dự án cũng kéo dài làm kế hoạch ghi nhận doanh thu của công ty không theo đúng tiến độ.

2. Ban lãnh đạo chia sẻ về định hướng phát triển hạ tầng giao thông?

Ông Bùi Dương Hùng - Chủ tịch HĐQT: Lizen tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vừa tròn 10 năm, dự án đầu tiên là mở rộng Quốc lộ 1A đầu tư chỉ 135 tỷ đồng. Đến nay, Lizen đang làm các dự án tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng, trở thành đơn vị lớn trong ngành, trong 6 dự án tham gia thì có 5 dự án trọng điểm quốc gia và 1 dự án trọng điểm của tỉnh.

Trong quá trình tham gia hạ tầng giao thông, HĐQT nhận thức được đây là xu hướng không thể đảo ngược tại một quốc gia đang phát triển. Ban lãnh đạo xác định tham gia hạ tầng giao thông khó, khổ nhưng sản phẩm tạo ra phải hàng đầu. Chính vì vậy, LIZEN đã đầu tư dây chuyền hiện đại nhất từ 2015 – 2016 (đa số của Đức và Nhật Bản), hiện nay đã khấu hao 60% nhưng giá trị thị trường còn 80%. Đồng thời, công ty cũng đầu tư cho yếu tố con người, nâng tầm đội ngũ cán bộ.

Trong sự nghiệp làm hạ tầng giao thông của tôi chưa bao giờ có chuyện tiêu được càng nhiều tiền càng được khen như hiện nay. Mặt khác, lãnh đạo Bộ Giao thông cũng từng chia sẻ thời điểm hiện nay cũng là lịch sử của ngành giao thông, trong lúc đấu thầu cạnh tranh nhau nhưng khi khó khăn các đơn vị thầu chung tay giải quyết.

3. Tại sao doanh thu 2023 tăng 100% nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ 5%?

Ông Cao Ngọc Phương – CEO: Kinh tế năm qua đi xuống, mảng bất động sản và năng lượng tái tạo đều khó khăn nên doanh thu LIZEN chỉ đến từ mảng xây lắp hạ tầng. Mảng này có biên lợi nhuận thấp, hầu hết các dự án hạ tầng đều chỉ định thầu đối với doanh nghiệp đủ máy móc, con người, theo quy định bị giảm 5% biên lợi nhuận.

Ngoài ra, trong giai đoạn thi công hạ tầng thì những vật liệu cơ bản đất, đá, cát thuộc về vật tư địa phương, biến động giá nhiều nên công ty phải thực hiện nhiều giải pháp tối ưu chi phí để đảm bảo lợi nhuận.

4. Cơ sở kế hoạch doanh thu 2.400 tỷ năm nay, tính khả thi?

Ông Bùi Dương Hùng - Chủ tịch HĐQT: Năm 2023 kế hoạch đưa ra không đạt. HĐQT yêu cầu Ban điều hành đưa ra kế hoạch phải cẩn trọng, tính toán các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến khả năng thực hiện. Năm nay, doanh thu chủ yếu đến từ 4 dự án gồm cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Vũng Áng - Bùng, Vành đai 4 Hưng Yên, Tân Phúc - Võng Phan và Biên Hòa Vũng Tàu. Công ty cũng đang tập trung đẩy mạnh dự án Chi Lăng – Hữu Nghị và một dự án khác chưa đủ điều kiện công bố.

5. Tại sao giá cổ phiếu Công ty không cao như kỳ vọng?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT: Bản thân Ban lãnh đạo cũng muốn cổ phiếu tăng cao nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát. Ban lãnh đạo chủ yếu tập trung vào hoạt động kinh doanh của công ty. LIZEN đã trúng thầu và được chỉ định thầu các công trình tầm cỡ quốc gia mang đến niềm tự hào cho con người và cổ đông công ty.

6. Ước lợi nhuận quý 1/2024?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT: Ước doanh thu 310 tỷ và lợi nhuận sau thuế 14,5 tỷ đồng.