Cần chính sách đặc thù, thúc đẩy vai trò của phụ nữ

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, vấn đề bình đẳng giới, cũng như giải phóng, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình thu hẹp khoảng cách giới diễn ra vẫn còn chậm. Chính vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp thúc đẩy bình đẳng, xóa bỏ rào cản giữa phụ nữ và nam giới.

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS,  thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho hay, nói về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, trước hết chúng ta cần nói đến vai trò của họ trong gia đình. 

Với vai trò làm vợ, người phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Một gia đình hạnh phúc, luôn tràn đầy ấm áp, yêu thương là gia đình trong đó có người vợ luôn hiểu rõ, đồng cảm với chồng trong tư tưởng và cuộc sống tinh thần. Người vợ vừa là bạn đồng hành của người chồng trên đường đời, vừa là hậu phương vững chắc đem đến sự thành đạt của người chồng.

Với vai trò làm mẹ, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chức năng sinh đẻ duy trì nòi giống và nuôi dạy con cái. Người phụ nữ là người luôn hết lòng vì con cái và thực sự là những tấm gương cho con cái noi theo; luôn ở bên con để hướng dẫn, động viên kịp thời, là chỗ dựa về tâm lý và tinh thần cho con trước những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng, bởi họ rất hiểu biết, được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng… Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, cho nên việc họ có vai trò quan trọng hơn trong xã hội là điều dễ hiểu.

"Sau này, với sự phát triển của công nghệ, thì khoảng cách giữa phụ nữ với nam giới càng gần nhau hơn, bởi những gì thuộc về cơ bắp và sức mạnh thì máy móc đã dần thay thế, cho nên phụ nữ có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ không khác gì những đấng mày râu", TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy, trọng trách đặt lên vai người phụ nữ là rất nặng nề. Ngoài việc nước, họ vẫn là người làm chính công việc nhà, từ việc bếp núc tới dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình.

"Chúng ta nhìn ra các nước phát triển thì thấy hiện nay nhiều vấn đề xã hội, như chăm sóc trẻ em chẳng hạn, đang bị khủng hoảng. Muốn tránh được khủng hoảng như vậy thì vai trò của phụ nữ phải được củng cố theo cách là nhà nước, xã hội tạo điều kiện cho họ phát triển, hỗ trợ để họ có thể làm tốt không chỉ về sản xuất, kinh tế mà cả vấn đề tái sản xuất, tức là sinh đẻ và chăm sóc thế hệ tương lai", TS. Khuất Thu Hồng nói.

Già hóa dân số, tốc độ phát triển dân số chậm, trẻ con ngày càng ít hơn, gia đình tan vỡ… là những khủng hoảng của xã hội hiện đại và cũng là bài học mà nhiều nước phát triển đã phải "trả giá" cho việc họ không quan tâm đến sự phát triển phụ nữ, không quan tâm hỗ trợ phụ nữ. Việt Nam chúng ta cần tránh những thất bại mà các nước phát triển đã và đang phải đối mặt.

Hướng tới một xã hội bình đẳng

Theo TS. Khuất Thu Hồng, một trong những giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho cả phụ nữ và nam giới phát triển, hoặc không bị những rào cản... thì phải xóa bỏ những định kiến về giới, những quan niệm sai lầm về phụ nữ và nam giới. Thay đổi nhận thức của mọi người là khó nhất. Nhưng chúng ta cần phải tập trung và phải làm được.

Để phụ nữ tự tin phát huy vai trò của mình trong cuộc sống, TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, trước tiên người phụ nữ cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của mình, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa - luôn cho rằng mình là phái yếu không thể gánh vác các công việc của gia đình, xã hội.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần cải thiện khung pháp lý; các cơ quan, chính quyền địa phương làm tốt công tác chính sách về bình đẳng giới, làm tốt việc tuyên truyền chống các hiện tượng kỳ thị, coi thường, bạo lực, thiếu tôn trọng với phụ nữ trong nhận thức của nam giới…

Còn GS.TS. Lê Thị Quý, chuyên gia về bình đẳng giới cho rằng, để thúc đẩy vai trò của phụ nữ, đặc biệt trong xã hội hiện đại, trước hết cần rà soát lại các chính sách về phụ nữ. Hiện nay, các chính sách về bình đẳng giới của Việt Nam được đánh giá là tiến bộ, văn minh, nhân văn… Tuy nhiên, từ chính sách đến việc thực hiện còn một quãng rất xa, bởi nhiều người vẫn chưa nắm rõ cũng như nhận thức đúng về các chính sách này.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy vai trò của phụ nữ, cần nâng cao địa vị của họ  trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ"; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi kinh tế có sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái.

"Chúng ta cần có chính sách đặc thù đối với phụ nữ. Nhưng muốn thế cần phải hiểu sâu sắc vấn đề về giới, từ việc mang thai, sinh đẻ, nuôi con, làm tròn trách nhiệm trong gia đình và xã hội...", GS. Lê Thị Quý nói.

Ngoài chính sách đặc thù cho phụ nữ, chúng ta cũng cần tuyên truyền để nam giới hiểu và sẵn sàng, tự nguyện chia sẻ trách nhiệm, gánh vác công việc, việc nhà với phụ nữ với tâm thế là trách nhiệm của cả hai bên, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Đây không chỉ là sự bình đẳng mà còn là sự công bằng. Như vậy, người phụ nữ mới có thời gian để nghỉ ngơi và làm việc tốt hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; chú trọng đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường để giúp cho thanh, thiếu niên nhận thức được những vần đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản, có hệ thống…

Thùy Linh