Căn bệnh nhạc sĩ Ngọc Châu mắc nguy hiểm như thế nào? Dấu hiệu cảnh báo ai cũng nên biết

Nhạc sĩ Ngọc Châu đã qua đời ở tuổi 55 vào sáng 17/3 sau khi vào cấp cứu tại BV Trung ương Quân đội 108 với bệnh suy tim.

Suy tim là gì?

Ca sĩ Khánh Linh - em gái nhạc sĩ Ngọc Châu - cho biết anh trai cô mất lúc 7h20 phút sáng 17/3 tại Bệnh viện 108. Nam nhạc sĩ bị bệnh suy tim nặng từng phải nhập viện nhưng sức khoẻ đã tiến triển từ 2 tuần trước.

Suy tim là căn bệnh mạn tính nguy hiểm bởi tiềm ẩn nhiều biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh suy tim có thể bị phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan (gan, suy thận...), đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc đột tử. 

Hiện có 26 triệu người trên thế giới đang sống chung với suy tim. Tại Việt Nam tuy chưa có số liệu chính thức nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc suy tim; số người bệnh nhập viện do suy tim khoảng 4.000 trường hợp mỗi năm.

Bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trái tim là bộ phận đặc biệt quan trọng trong cơ thể của con người, có chức năng nhận máu về và bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. 1 trong 2 chức năng này suy giảm có thể dẫn tới tình trạng suy tim.

Nguyên nhân gây suy tim của người bệnh là bệnh lý mạch vành, cơ tim bị hoại tử, các bệnh lý van tim, tăng huyết áp hoặc do các hóa chất độc hại. Tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng cũng là nguyên nhân gây suy tim.

Hiện tại, mặc dù có nhiều phương pháp điều trị nhưng tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn rất cao. Do đó, việc nhận biết sớm dấu hiệu suy tim là rất quan trọng.

Căn bệnh nhạc sĩ Ngọc Châu mắc nguy hiểm như thế nào? Dấu hiệu cảnh báo ai cũng nên biết - Ảnh 1.

Suy tim là căn bệnh mạn tính nguy hiểm.

3 dấu hiệu suy tim

Ba biểu hiện hay gặp của suy tim là ho hen, khó thở, phù ngoại biên. Người bệnh có thể có biểu hiện từ nhẹ tới nặng.

Triệu chứng của bệnh suy tim xuất hiện do người bệnh bị suy giảm chức năng hút – bơm máu. Khi đó, máu bơm ra ngoại biên giảm nên gây ra rất nhiều biểu hiện khác nhau trên toàn cơ thể.

Ví dụ, người bệnh thiếu máu ở thận gây tiểu ít; lượng máu toàn thân giảm gây mệt mỏi, mất tập trung; giảm thiếu máu ở bộ phận tiêu hoá gây chán ăn, khó tiêu.

Bệnh nhân còn có thể bị ứ dịch ngoại biên gây phù chân; ứ dịch ở phổi gây ho khan, khó thở, đặc biệt là khó thở về đêm. 

Bác sĩ Dũng cho rằng cần tư vấn cho chính người bệnh và người nhà về các biểu hiện suy tim giai đoạn sớm, triệu chứng trở nặng để quay trở lại bệnh viện kịp thời.

Triệu chứng báo động tình trạng xấu là khó thở tăng lên; đi lại cũng khó thở, đau ngực; phù tăng lên ở chân, mi mắt; bụng to lên… Đây là các dấu hiệu báo động tình trạng suy tim nặng lên người bệnh phải vào viện gấp.

Cách theo dõi suy tim đơn giản là theo dõi cân nặng thường xuyên. Ví dụ người bệnh tăng cân 0,5 – 1 kg trong 1 ngày là cơ thể đang tích nước, người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện.

4 giai đoạn suy tim

Ở giai đoạn 1: triệu chứng khó thở ít xảy ra khi hoạt động bình thường.

Ở giai đoạn 2: tình trạng khó thở xuất hiện khi bệnh nhân vận động thể lực thông thường. Ví dụ bệnh nhân có thể leo cầu thang lên đến tầng 2 đã xuất hiện khó thở.

Ở giai đoạn 3: bệnh nhân chỉ hoạt động đi lại đã thấy khó thở.

Ở giai đoạn 4: bệnh nhân chỉ ngồi, nằm cũng khó thở.

Điều trị suy tim

Khi điều trị suy tim, bác sĩ Dũng cho rằng phải tìm nguyên nhân suy tim. Nếu suy tim thoáng qua có thể điều trị dứt điểm. Suy tim thoáng qua có thể do nhiễm siêu vi, vi trùng, thiếu máu, cường giáp, suy giáp, bệnh lý tim bẩm sinh.

Tuy nhiên, hiện nay đa số trường hợp suy tim ít do nguyên nhân trên, hầu hết suy tim phải gắn liền với việc dùng thuốc trong suốt cuộc đời của người bệnh.

Người bệnh ngoài uống thuốc thì phải thay đổi lối sống, ăn uống khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia và giảm cân nếu thừa cân béo phì. Trong điều trị suy tim thì việc tuân thủ điều trị vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, có thể sử dụng máy tạo nhịp tim, sử dụng các dụng cụ trợ tâm thất, cao cấp nhất là ghép tim.

Biến chứng suy tim

Suy tim nếu không được chăm sóc và điều trị sớm có thể tiến triển nặng lên, gây ảnh hưởng tới nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể do thiếu máu nuôi dưỡng lâu ngày.

Các biến chứng thường gặp bao gồm suy thận, phù phổi cấp, suy giảm chức năng gan (có thể dẫn tới xơ gan, viêm gan),  biến chứng huyết khối gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

https://soha.vn/can-benh-nhac-si-ngoc-chau-mac-nguy-hiem-nhu-the-nao-dau-hieu-nhan-biet-20220317130026635.htm