20 em bé “ống nghiệm” đầu tiên ra đời ở Tây Nguyên trao cơ hội, niềm tin cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Sự ra đời của 20 em bé “ống nghiệm” đầu tiên tại Tây Nguyên đã trao cơ hội đến các cặp vợ chồng hiếm muộn sớm thực hiện ước mơ có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn.

Ngày 28/4, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam (30/04/1998 – 30/04/2023) & đánh giá kết quả hoạt động của Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột.

Sự kiện này được tổ chức nhằm mục đích kỷ niệm những thành tựu y khoa đầu tiên đặt nền móng cho điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam. Qua đó, cũng để đánh giá và ghi nhận những thành quả hoạt động của Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột.

Đời sống - 20 em bé “ống nghiệm” đầu tiên ra đời ở Tây Nguyên trao cơ hội, niềm tin cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột - trực thuộc Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột là trung tâm hỗ trợ sinh sản đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên.

Cách đây 25 năm, vào ngày 30/4/1998 được xem là ngày "lịch sử" khi cả nước chào đón những em bé đầu tiên ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam. Dấu mốc này không chỉ mang lại niềm tin cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có cơ hội làm cha làm mẹ, mà còn đánh dấu bước ngoặt lịch sử của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam.

Nhắc đến kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không thể không nhắc đến GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng - người đã đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) về Việt Nam, hiện đang là cố vấn cấp cao của hệ thống hỗ trợ sinh sản IVFMD.

Bác sĩ Phượng chia sẻ: “Ngày đó, tôi đặt ra một ước mơ, một khát vọng là được làm một điều gì đó cho những bệnh nhân hiếm muộn của mình. Mình chưa làm được thì cứ cố gắng đi tới, chưa làm được thì mình chưa ngưng. Có nhiều bệnh nhân tan vỡ gia đình vì không sinh được con, nhiều người đau khổ vì nhà chồng dọa sẽ ly dị, hoặc có người dọa tự tử vì không chịu được áp lực của dư luận xã hội. Cứ nghĩ về những nỗi đau mà họ đang gánh chịu, tôi day dứt hoài khôn nguôi và cố gắng làm sao để đẩy nhanh chương trình hỗ trợ sinh sản, giúp họ vượt qua nỗi đau này”.

Đời sống - 20 em bé “ống nghiệm” đầu tiên ra đời ở Tây Nguyên trao cơ hội, niềm tin cho các cặp vợ chồng hiếm muộn (Hình 2).

BS.CKII Võ Minh Thành - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột phát biểu tại buổi lễ.

Giờ đây, những nỗ lực của bác sĩ Phượng đã được đền đáp khi đã có hàng ngàn em bé được ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trên đất nước Việt Nam.

Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột - trực thuộc Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột ra đời vào ngày 16/2/2022 là kết quả của sự hợp tác toàn diện giữa Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Mỹ Đức Tp.HCM. Đây là trung tâm hỗ trợ sinh sản đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị hiếm muộn hiện đại, chuyên sâu.

BS.CKII Võ Minh Thành - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột thông tin, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%.

Tại Tây Nguyên, ước tính có khoảng 420.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, riêng tỉnh Đắk Lắk có 146.000 cặp vợ chồng hiếm muộn. Vì vậy, sự ra đời của đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột có ý nghĩa rất lớn vì đã trao nhiều cơ hội đến các cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn, để họ sớm hiện thực hóa ước mơ có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn mà không còn phải đi xa, giảm thiểu nỗi lo lắng về việc di chuyển và theo dõi tốn kém, vất vả như trước đây.

Theo thông tin từ bệnh viện, kinh phí để cho một em bé “ống nghiệm” ra đời tại Đơn vị IVFMD Buôn Ma Thuột là khoảng 80-120 triệu đồng, phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng bệnh nhân.

Đời sống - 20 em bé “ống nghiệm” đầu tiên ra đời ở Tây Nguyên trao cơ hội, niềm tin cho các cặp vợ chồng hiếm muộn (Hình 3).

ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Trưởng Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Bệnh viện Mỹ Đức Tp.HCM, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh Tp.HCM cho biết, việc triển khai các trung tâm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao tại các tỉnh xa, sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho hàng ngàn cặp vợ chồng mỗi năm. 

Đến nay, đơn vị IVFMD Buôn Ma Thuột đã chính thức hiện thực hóa ước mơ tìm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn tại khu vực Tây Nguyên. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã đón chào sự ra đời khỏe mạnh của 20 em bé “ống nghiệm”. Trong đó, em bé đầu tiên ra đời vào ngày 28/12/2022 (35 tuần 2 ngày), cân nặng là 2,6kg.

"Thành quả đáng ghi nhận này đã giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn tại khu vực Tây Nguyên có nhiều niềm tin hơn trong việc điều trị hiếm muộn ngay tại quê hương, mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị với tỉ lệ thành công cao. Chúng tôi vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi đồng hành cùng gia đình đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại đơn vị IVFMD Buôn Ma Thuột”, BS.CKII Võ Minh Thành chia sẻ.

Đời sống - 20 em bé “ống nghiệm” đầu tiên ra đời ở Tây Nguyên trao cơ hội, niềm tin cho các cặp vợ chồng hiếm muộn (Hình 4).

Nghi thức chúc mừng kết quả hoạt động của Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột. 

Sản phụ M.T.T. (26 tuổi, trú tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) – mẹ của em bé đầu tiên tại Tây Nguyên ra đời bằng phương pháp IVF chia sẻ: “Hành trình tìm con của vợ chồng tôi khá là khó khăn, chúng tôi cưới nhau được hơn 1 năm rưỡi vẫn chưa có con. Đầu năm 2021, tôi có đi khám ở Sài gòn tại IVFMD - Tân Bình. Hai vợ chồng đã dự định xuống đấy tìm việc để điều trị nhưng cũng đúng lúc đó tôi nghe tin IVFMD - Buôn Ma Thuột khai trương. Sau khi nghe tư vấn của bác sĩ, tôi đã tin tưởng và quyết định lựa chọn điều trị tại đây. Tôi biết hành trình tìm con với các cặp vợ chồng khác còn nhiều gian nan, nhưng nếu vợ chồng đồng lòng và kiên quyết với nhau thì chắc chắn sẽ gặt được trái ngọt như gia đình mình”.

Phát biểu tại buổi lễ, ThS.BS Hồ Mạnh Tường, Trưởng Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Bệnh viện Mỹ Đức Tp.HCM, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh Tp.HCM cho biết: “Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Mỹ Đức, khi phỏng vấn và tính tổng cộng chi phí đi lại, ăn ở và thời gian các cặp vợ chồng phải bỏ ra để theo đuổi việc thăm khám và điều trị ở các bệnh viện ở Tp.HCM, chúng tôi phát hiện rằng, các chi phí tiềm ẩn này còn cao hơn cả chi phí điều trị trực tiếp IVF. Do đó, việc triển khai các trung tâm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao tại các tỉnh xa, sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho hàng ngàn cặp vợ chồng mỗi năm. Đồng thời, giảm gánh nặng và căng thẳng trong quá trình tìm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn”.

Khánh Ngọc