Quảng Bình phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua tỉnh Quảng Bình đã xây dựng và phát huy được vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, là hạt nhân nòng cốt đưa các chính sách của Đảng, nhà nước đến thôn, bản, từng hộ gia đình, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua tại cơ sở, giúp chính quyền giải quyết tốt các vướng mắc trong đồng bào thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Bình có diện tích tự nhiên trên 3.800 km2, dân số trên 6.400 hộ với gần 28.000 người (chiếm khoảng 2,96% dân số toàn tỉnh), trong đó: Dân tộc Bru - Vân Kiều có 4.543 hộ, 19.209 khẩu; dân tộc Chứt có 1.717 hộ, 7.064 khẩu. Đây là 2 dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, còn lại là các dân tộc thiểu số khác với số dân không nhiều như: Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái…

Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, cũng như các chương trình, dự án, chính sách (Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Quyết định số 2085/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ- TTg,…) đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương có nhiều khởi sắc.

Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đến nay 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 88,23% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế…

Đời sống của đồng bào được cải thiện, bà con biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số là các điển hình tiên tiến trong sản xuất, phát triển kinh tế; số hộ có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng.

Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4-5%/năm trong giai đoạn 2016- 2020. Năm 2022 tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm 8,2%/năm.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng; hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT và hỗ trợ một phần suất ăn khi điều trị tại bệnh viện. Bên cạnh đó, các trạm y tế quân dân y được đầu tư xây dựng ở các xã biên giới nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cầu nối gắn kết giữa chính quyền và người dân

Để đạt được những kết quả như trên có đóng góp quan trọng của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho hay, trong những năm qua tỉnh Quảng Bình đã xây dựng và phát huy được vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, là hạt nhân nòng cốt đưa các chính sách của Đảng, nhà nước đến thôn, bản, từng hộ gia đình, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua tại cơ sở, giúp chính quyền giải quyết tốt các vướng mắc trong đồng bào thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Tại địa phương, đảng viên người dân tộc thiểu số có khoảng hơn 1.200 người, là nòng cốt trong thực hiện công tác, chính sách dân tộc, thực hiện tốt các chủ trương chính sách, phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, đội ngũ người có uy tín đã phát huy tích cực và có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chủ động phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu; bài trừ hủ tục lạc hậu (tục nối dây, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, các hủ tục trong nghi lễ tang ma, cưới hỏi...), tích cực thực hiện cuộc vận xây dựng nông thôn mới, nếp sống mới.

Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đội ngũ người có uy tín đã tích cực phối hợp sưu tầm, phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như các loại hình lễ hội truyền thống, văn nghệ dân gian, nghề thủ công... Đến nay, lễ hội đập trống của người Ma Coong, lễ hội trỉa lúa, lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Bru – Vân Kiều được phục dựng, bảo tồn và được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín dù tuổi cao, không còn trực tiếp lao động sản xuất, nhưng đã vận động con cháu tích cực, hăng say lao động sản xuất; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào; vận động nhân dân ổn định cuộc sống, định canh định cư, ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Ngoài ra, trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội, người có uy tín đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng để nắm tình hình địa bàn, phối hợp vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới…

Để phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho rằng, công tác bầu chọn người có uy tín phải đảm bảo đúng tiêu chí, người được lựa chọn phải là tấm gương sáng trong cộng đồng, được người dân tín nhiệm; cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, tổ chức tọa đàm để người có uy tín trao đổi, chia sẻ thông tin, bày tỏ tâm tư nguyện vọng. Đồng thời cần quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách, khen thưởng kịp thời những người có uy tín đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Lưu Hương