Gỡ khó đấu thầu: Bệnh viện chuẩn bị mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế thế nào?

Các bệnh viện đang rà soát, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành.

Sau khi hai văn bản trên được ban hành, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã tổ chức xem xét, thực hiện các quy định " Dự kiến một tuần nữa, mọi hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật tại bệnh viện sẽ được khôi phục hoàn toàn", GS.TS Trần Bình Giang, giám đốc bệnh viện nói.

Đơn vị đã liên hệ với các nhà cung cấp máy móc, vật tư kỹ thuật liên quan đến giấy phép lưu hành, nhập khẩu được cởi trói bởi Nghị định 07. Nhà phân phối hứa một tuần nữa sẽ cung cấp đủ cho bệnh viện. Với Nghị quyết 30, việc mua hóa chất, xét nghiệm cũng được gỡ vướng. "Bệnh viện sẽ hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm đến khám chữa bệnh với đầy đủ phương tiện", ông Giang nói. Trước đó, do thiếu vật tư, hóa chất nên từ 1/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải hoãn nhiều ca mổ phiên, ưu tiên bệnh nhân nặng, cấp cứu.

Gỡ khó đấu thầu: Bệnh viện chuẩn bị mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế thế nào? - Ảnh 1.

Các bệnh viện tuyến trung ương gặp vướng mắc khâu đấu thầu, mua bán thiết bị y tế. (Ảnh minh hoạ: T.N)

Không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà sau khi Chính phủ ban hành hai văn bản "gỡ vướng", các bệnh viện khác cũng bắt tay vào thực hiện để giải quyết khó khăn về đấu thầu trang thiết bị y tế tồn tại thời gian dài. Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Nghị quyết 30 cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh viện vừa rà soát, thẩm tra, kiểm tra toàn bộ máy móc tại đơn vị.

Thiết bị nào còn hoạt động được, đảm bảo chuyên môn thì sẽ làm các thủ tục để sớm đưa vào phục vụ người bệnh. Với máy móc, thiết bị cần sửa chữa, bệnh viện sẽ phục hồi, khắc phục đưa vào hoạt động, sớm đưa máy đặt máy mượn trở lại hoạt động.

"10 năm qua hầu hết các thiết bị chẩn đoán của bệnh viện đều là liên doanh liên kết. Hiện nhiều thiết bị dừng hoạt động, hỏng, không phụ kiện thay thế. Do đó, Nghị quyết 30 được ban hành cho phép sửa chữa, mua linh kiện đặc chủng của thiết bị đó", ông Cơ nói. Trước khi Nghị quyết 30 ban hành, gần năm nay, bệnh viện phải tạm dừng hoạt động hàng loạt máy liên doanh liên kết đã hết hợp đồng nhưng còn sử dụng được như 1 máy chụp citi, 1 máy chụp cắt lớp 256 dãy, 2 máy cộng hưởng từ 1.5, 2 máy chụp X-quang.

Nghị định 07 và Nghị quyết 30 cũng tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong nhập khẩu, giấy phép lưu hành, thẩm định giá, thiếu hụt vật tư y tế của Bệnh viện Đà Nẵng . Theo giám đốc bệnh viện - ông Lê Đức Nhân, đơn vị có hai gói thầu về vật tư, thiết bị thời gian dài không được thông qua, do chưa đáp ứng được quy định “3 báo giá”. Với hai văn bản vừa được Chính phủ ban hành, các gói thầu của bệnh viện sẽ nhanh chóng được triển khai.

“Sau khi nghị quyết 30 được ban hành, chúng tôi lập tức rà soát lại những hạng mục đấu thầu còn vướng mắc chưa được thông qua, tiến tới sẽ triển khai hoàn thành gói thầu, mua sắm đủ vật tư còn thiếu để đưa vào phục vụ khám chữa bệnh cho người dân”, ông Nhân nói và cho biết đây là thời điểm để các bệnh viện giải quyết những khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế gặp phải trước đây..

“Các bệnh viện, cơ sở y tế đang ngày đêm tổng lực để thực hiện sớm nhất những nội dung mua sắm phục vụ người bệnh” , ông Nhân nói.

Gỡ khó đấu thầu: Bệnh viện chuẩn bị mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế thế nào? - Ảnh 2.

Các bệnh viện lên kế hoạch mua mới, sửa chữa máy móc phụ vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

BS.CKII Nguyễn Minh Tiến (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố) chia sẻ, Nghị quyết 30 giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc về thuốc, trang thiết bị y tế trong thời gian qua. “Một trong những điểm mới mà tôi tâm đắc nhất là không cần tham khảo 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau, vì các bệnh viện rất khó để kiếm đủ 3 nhà cung cấp với 3 mức giá khác nhau” , BS.CKII Nguyễn Minh Tiến nói.

Hiện giấy phép để nhập hàng được gia hạn tự động, bệnh viện có thể nhập hàng dễ dàng hơn. Chẳng hạn như những vật liệu trong hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo) nằm ở cảng lâu nay không thể nhập, trong khi bệnh viện thiếu 10 ngày rồi.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vui mừng khi Nghị quyết 30 mới ban hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc về đấu thấu thuốc, sinh phẩm và trang thiết bị y tế tồn tại bao lâu nay, khiến ngành y gặp khó. Việc đấu thầu là cần thiết và phải làm theo các quy định. Đơn vị nào làm sai, có lợi ích nhóm, thậm chí tham nhũng rồi bị xử lý là hoàn toàn đúng. Việc này cũng giúp các bệnh viện phải cẩn trọng trong khâu đấu thầu .

Bệnh viện hiện không thiếu thuốc, nhưng lại lo về vật tư tiêu hao. Ông Tuấn dẫn chứng dao dùng trong phẫu thuật đã hết hạn đăng ký, nếu không giải quyết kịp thời bệnh viện không có dao siêu âm để phục vụ trong phẫu thuật. “Đặc biệt là phẫu thuật ung thư tuyến giáp, ung thư vú, dao tốt sẽ giúp bệnh nhân mổ an toàn và giảm thời gian điều trị. Nghị quyết mới ban hành sẽ giải quyết được vấn đề này”, ông Tuấn nói.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất xảy ra tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc từ giữa năm 2022. Các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy đều phản ánh tình trạng không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, khó khăn trong đấu thầu, mua sắm máy đặt máy mượn. Họ phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác khám bệnh.

Trong hai ngày 3 và 4/3, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị định 07 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021) nhằm tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu thiết bị y tế; Nghị quyết 30 tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt cùng các loại trang thiết bị được hiến tặng, viện trợ mà chưa xác lập sở hữu toàn dân.

Quy định mới đưa nhiều giải pháp khắc phục tình nhằm thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện hiện nay. Trước đây, bệnh viện phải tham khảo ba báo giá khi đấu thầu trang thiết bị y tế, đây được cho là một trong những điểm nghẽn khiến bệnh viện không mua, không sửa được máy móc hiện đại. Điểm nghẽn này đã được giải quyết tại Nghị quyết 30.