Đề xuất "mũ" chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách

Hiện việc đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn ngân sách Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách còn eo hẹp.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách do Thủ tướng chủ trì chiều 24/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay, chưa thể thống kê kinh phí dành cho truyền thông chính sách là bao nhiêu.

Theo ông Lâm, nguyên nhân là vì chưa có danh mục các công việc, nhiệm vụ cụ thể được coi là thuộc nhiệm vụ truyền thông chính sách. Vì vậy, nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện truyền thông chính sách.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào thì do ngân sách đó cấp và bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Ông Chi cũng cho biết, hoạt động truyền thông chính sách gắn liền đến các hoạt động liên quan của các đơn vị ngân sách Nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ này được lồng ghép trong kinh phí thực hiện các Chương trình, Đề án và hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan đơn vị lập dự toán cho hoạt động truyền thông chính sách trên cơ sở đề án đã xây dựng và được thông qua.

Tiêu điểm - Đề xuất 'mũ' chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: VGP).

Đối với địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trọng tâm, trọng điểm.

Trên cơ sở dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm cho hoạt động truyền thông chính sách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Đồng thời, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động truyền thông chính sách.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về "mũ" chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách.

Liên quan đến đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trên thực tế vẫn có nhưng có thể chưa đủ hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách Nhà nước còn eo hẹp.

“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và các cơ quan truyền thông chính thống để có các giải pháp tăng nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan truyền thông chính sách của Chính phủ”, ông Chi nói.

Góp ý tại hội nghị, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang cho rằng, để có nguồn lực truyền thông chính sách thật sự hiệu quả, bên cạnh nguồn lực tự chủ thì phải có có nguồn lực đặt hàng, giao nhiệm vụ của nhà nước, đặc biệt là với các cơ quan báo chí chủ lực có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Thực tế, hiện nay đó là càng cơ quan tự chủ có ảnh hưởng lớn đến việc định hướng thông tin thì lại càng phải tự lo về tài chính, không có nguồn lực ngân sách đặt hàng hay giao nhiệm vụ cho những việc hết sức quan trọng.

Tiêu điểm - Đề xuất 'mũ' chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách (Hình 2).

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang đóng góp ý kiến (Ảnh: VGP).

Ông Quang cho biết, để truyền thông chính sách cần có nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính... Trong đó, nguồn lực về tài chính là điều kiện đảm bảo quan trọng để thực hiện truyền thông có hiệu quả.

“Thực tế đòi hỏi để việc truyền thông chính sách thực sự hiệu quả, chất lượng thì phải có nguồn lực từ các Bộ, ngành, địa phương thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí”, ông Quang nói.

Theo đó, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, để tận dụng tối đa sức mạnh của báo chí, đưa báo chí thành kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân thì Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật tham gia thực hiện truyền thông chính sách.

Trong đó có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ thường xuyên, thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan để đảm bảo hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững và có hiệu quả.