Cú bắt tay khiến Đông Á Bank “bốc hơi" 5.500 tỷ đồng

Để có thể vay số tiền lớn từ Ngân hàng Đông Á (DAB), bị cáo Phùng Ngọc Khánh đã dùng 5 pháp nhân khác nhau và được DAB ký duyệt cho vay tổng cộng gần 2.000 tỷ đồng.

Ngày 14/3, TAND Tp.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) và 7 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cùng bị xét xử về cùng tội danh với Trần Phương Bình, gồm: Phùng Ngọc Khánh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M&C – Công ty M&C; Nguyễn Đức Tài, cựu Giám đốc DAB Sở Giao dịch; Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu Phó Tổng giám đốc DAB; Vũ Thị Thanh Hoa, cựu Trưởng phòng Tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB; Nguyễn Văn Thuận, cựu Phó Giám đốc DAB Sở Giao dịch; Châu Thị An Bình, cựu Phó Giám đốc Phòng Sản phẩm dịch vụ, Hội sở DAB.

Hồ sơ điều tra - Cú bắt tay khiến Đông Á Bank “bốc hơi' 5.500 tỷ đồng

Bị cáo Trần Phương Bình tại tòa.

Theo truy tố, bị cáo Trần Phương Bình giữ chức Tổng giám đốc DAB từ tháng 3/1998 đến tháng 8/2015.

Trong giai đoạn từ năm 2007 - 2013, Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, đã chỉ đạo cấp dưới cho các nhóm khách hàng vay hàng ngàn tỷ đồng sai quy định, dẫn đến việc DAB bị thiệt hại.

Năm 2012, Sở giao dịch DAB cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.680 tỷ đồng. Trong nhóm này Công ty Ngôi Sao vay 400 tỷ đồng, Công ty Liên Phát vay 400 tỷ đồng, Công ty Phát Vạn Hưng vay 410 tỷ đồng, Công ty Biển Bạc vay 380 tỷ đồng, Công ty Minh Quân vay 90 tỷ đồng và Công ty CP M&C vay hơn 146 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo chung cho những khoản vay trên là một phần giá trị quyền sử dụng khu đất diện tích hơn 62.000m2 thuộc dự án 7,6ha tại phường An Phú, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.

Cụ thể, bị cáo Bình là người ký duyệt đồng ý cho 5 công ty nói trên với số tiền vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhóm Công ty M&C đã sử dụng tiền vay không đúng mục đích là đầu tư vào dự án 7,6ha, mà đem trả nợ hoặc dùng vào nhiều việc khác của công ty.

Tính đến tháng 5/2022, các khoản vay của 3 công ty trong nhóm Công ty M&C vừa nêu trên vẫn còn dư nợ tại DAB với số tiền tổng cộng hơn 2.600 tỷ đồng.

Kết luận của Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự Tp.HCM xác định, diện tích hơn 62.000m2 (trong đó chỉ có gần 42.000m2 có giá trị pháp lý) tại thời điểm thế chấp ngân hàng có giá trị là gần 80 tỷ đồng, tại thời điểm nhận được tài liệu từ cơ quan điều tra (tháng 5/2020) là hơn 184 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, cả 5 công ty đứng tên vay tiền đều đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.000 tỷ đồng, bao gồm cả tiền gốc và lãi.

Ngoài ra, DAB còn cho Công ty cổ phần M&C vay 2 khoản khác với tổng số hơn 146 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 460 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thiệt hại trong vụ án này được xác định là hơn 5.500 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, Trần Phương Bình thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Theo bị cáo Bình, thời điểm ký duyệt các khoản vay cho nhóm M&C, DAB không đủ vốn để cho vay trung và dài hạn nên chỉ cho vay ngắn hạn. 

Tuy nhiên, sau khi cho vay và đến hạn trả nợ, Công ty M&C không có nguồn tiền để chi trả cho DAB nên đã đi vay tại ngân hàng An Bình bằng hình thức phát hành trái phiếu. Để có thể vay tiền ở ngân hàng An Bình bằng trái phiếu, DAB đã phát hành chứng thư bảo lãnh với trị giá 120 tỷ đồng.

Theo bị cáo Bình, bản chất của việc phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty M&C là để sau khi M&C vay được tiền từ Ngân hàng An Bình thì DAB thu về được số tiền 120 tỷ đồng, qua đó kéo dài thời gian trả nợ cho Công ty M&C.

Nói về khoản vay 146 tỷ đồng mà DAB ký duyệt cho Công ty M&C vay, bị cáo Bình khai rằng, sau khi khoản vay 120 tỷ đồng của Công ty M&C tại Ngân hàng An Bình đến hạn trả nợ nhưng Công ty M&C không có khả năng trả, bị cáo Bình đã yêu cầu Công ty M&C vay bắt buộc 146 tỷ để công ty này trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho ngân hàng An Bình, để không làm ảnh hưởng đến uy tín của DAB.

Đối với Phùng Ngọc Khánh, bị cáo này được xác định là đại diện của nhóm M&C, đã sử dụng 5 pháp nhân khác nhau để vay tiền từ DAB.

Trả lời HĐXX về việc vì sao phải sử dụng đến 5 pháp nhân để vay tiền, bị cáo Khánh cho biết, theo quy định về hạn mức cấp tín dụng của ngân hàng, một doanh nghiệp không được vay quá 15% vốn tự có nên dùng 5 công ty để chia nhỏ các khoản vay để vay được số tiền lớn hơn.

Theo bị cáo Khánh, việc thỏa thuận vay tiền, cũng như đảo nợ các khoản vay tại DAB là do Khánh trực tiếp gặp bị cáo Trần Phương Bình để bàn bạc, thương lượng chứ không liên quan gì đến thuộc cấp của Khánh.

Về tài sản thế chấp cho các khoản vay, cả bị cáo Bình và Khánh đều thừa nhận thời điểm làm thủ tục vay tiền của DAB, Công ty M&C có dùng 18 giấy chứng nhận (đứng tên Công ty M&C) để làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, hai bên chỉ ký hợp đồng thế chấp, sau đó không thực hiện công chứng và cũng chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi…