Chống dịch không thể chờ thời tiết

Những ngày này đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, còn từ tháng 10 trở về trước là cao điểm ở TP.HCM và khu vực phía Nam.

Tính chung toàn quốc, gần 11 tháng của năm 2022 ghi nhận trên 314.200 ca mắc sốt xuất huyết và có đến 115 ca tử vong.

So với cùng kỳ, số mắc toàn quốc tăng gấp 4 lần, số tử vong tăng 91 ca. Còn tính riêng từng khu vực, số mắc tại TP.HCM tăng gấp 4 lần, Hà Nội (dù mới vào đầu mùa) cũng đã tăng 3 lần, báo hiệu một vụ dịch lớn.

Tuy nhiên nhìn lại các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết thì có thể nói năm nay là năm khá yên ắng. Hỏi ra thì biết từ năm 2020 khi kinh phí dành cho chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó có phòng chống sốt xuất huyết) bị cắt, hiện cấp trung ương không có ngân sách chi cho các hoạt động phun diệt lăng quăng, bọ gậy hay truyền thông phòng chống dịch.

Vì thế ngay ở Hà Nội, dù đang cao điểm dịch, báo cáo giám sát cho thấy tại nhiều nhà dân ghi nhận các ổ lăng quăng, nhưng người ta đang trông chờ nếu thủ đô và các tỉnh miền Bắc lạnh sẽ có cơ hội giảm số mắc sốt xuất huyết, còn hiện nay "có giảm nhưng không được nhiều", bởi chưa có biện pháp nào chống dịch một cách mạnh mẽ.

Nhưng trời lại không chiều người, năm nay đến cuối tháng 11 Hà Nội vẫn nóng ẩm, tức là nguy cơ dịch vẫn còn kéo dài. Những tuần gần đây, mỗi tuần Hà Nội ghi nhận trên 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, đã có 12 người tử vong vì căn bệnh "không có gì lạ" này.

Và vì sốt xuất huyết vốn rất quen, là bệnh lưu hành, nên dường như cách phòng chống đang thực hiện theo kiểu nếu dịch bùng lên thì chống, mặc dù thực tế khi ấy dịch đã nóng và hiệu quả chống dịch sẽ thấp.

Chưa kể, hiện đang có một vướng mắc là thông tư 26 về định mức chi cho các hoạt động đặc thù như xét nghiệm, phun hóa chất... đã hết thời hiệu, quy định mới lại chưa có. Trong khi đó, dịch lại không thể đợi, cứ có mầm bệnh là bùng phát.

Ngoại trừ việc ngân sách trung ương không còn phần chi cho sốt xuất huyết từ chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều tỉnh có kinh phí nhưng khi dịch bùng mạnh lại không biết chi thế nào, chi mức bao nhiêu, hóa chất thì không có, thành ra chống dịch trở nên yếu xìu là vì vậy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia nhiều năm theo dõi bệnh sốt xuất huyết cho biết từ 1987 đến nay, cứ khi nào cắt kinh phí phòng chống dịch thì 1-2 năm sau đó dịch lại bùng lên. Khi dịch bùng lên lại có kinh phí, rồi vài năm sau lại cắt, cắt rồi dịch lại bùng...

Sốt xuất huyết là căn bệnh lưu hành từ nhiều chục năm nay, vì là bệnh quen nên không chỉ người dân, việc phòng chống dịch nói chung cũng theo kiểu "quen". Và hậu quả là cứ 2-3 năm/lần lại có dịch lớn, hàng trăm ngàn người mắc, cả trăm người tử vong một cách đáng tiếc.

Chưa biết khi nào Hà Nội mới lạnh để dịch giảm nhiệt theo. Nhưng chống dịch phải chủ động và quyết liệt chứ không thể ngồi đợi sự may rủi của thời tiết, không thể để những cái chết đáng tiếc cứ xảy ra.