Chánh án TAND Tối cao: Giải quyết án kinh tế, tham nhũng còn hạn chế

Thừa nhận còn hạn chế trong giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết nguyên nhân một phần do năng lực, trách nhiệm của thẩm phán.

Tiếp tục phiên họp Sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Nội dung chất vấn Chánh án sẽ tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án…

Có hiện tượng nể nang trong xử án

Tham gia chất vấn, đại biểu Mai Phương Hoa (đoàn Nam Định) nêu tỉ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn cao. “Đề nghị Chánh án TAND Tối cao giải thích lý do. Có phải một phần bộ phận thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan hành chính?”, bà Hoa đặt câu hỏi.

Nữ đại biểu cũng cho rằng án hành chính có xu hướng tăng, chủ yếu liên quan đến đất đai. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang tòa án giải quyết.

“Chánh án TAND Tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của tòa án trong thực hiện đề xuất này?", bà Hoa chất vấn.

Tiêu điểm - Chánh án TAND Tối cao: Giải quyết án kinh tế, tham nhũng còn hạn chế

Đại biểu Mai Phương Hoa (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính như tỉ lệ xử lý thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Bên cạnh đó, tỉ lệ hủy, sửa án hành chính còn nhiều.

Theo ông Bình, Quốc hội cho phép án hủy sửa tỉ lệ 1,5% nhưng tỉ lệ này thực tế lên tới 4%. Và việc án hành chính không được thi hành nghiêm túc gây bức xúc cho người dân. “Những tồn tại này có phải do thẩm phán nể nang hay không? Việc nể nang là có thật nhưng không phải nhiều”, Chánh án Tòa tối cao thừa nhận.

Ông lý giải khi xét xử, các thẩm phán xét xử UBND cùng cấp cũng có nể nang nhưng tỉ lệ không nhiều. Đa số thẩm phán phát huy tính bản lĩnh, chuyên nghiệp, xét xử nghiêm túc.

Cũng theo ông Bình, việc nể nang không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ hủy, sửa án cao mà nguyên nhân của việc này do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân không đầy đủ trong khi việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế.

“Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch UBND khi bị kiện phải ra tòa, nếu ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó, nhưng ở cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thường rất nhiều việc nên thời gian ra tòa hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền của người dân”, ông Bình khẳng định án hành chính bị chậm do việc tham gia phiên tòa của các chủ tịch tỉnh hạn chế, đây cũng là nguyên nhân chính.

Tiêu điểm - Chánh án TAND Tối cao: Giải quyết án kinh tế, tham nhũng còn hạn chế (Hình 2).

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Đề cập giải pháp, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết TAND Tối cao đã có hội nghị chánh án 4 cấp toàn quốc thảo luận giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đề ra 14 giải pháp và giải pháp này đã trình bày trong báo cáo.

“Với việc cả nể, dù ít vẫn cần được đặt ra. Nhiệm kỳ trước chúng đã đổi mới tố tụng hành chính bằng cách đối với vụ án mà huyện xử lý thì giao tỉnh xử vụ án của tỉnh thì tỉnh vẫn xử. Lần sửa đổi này chúng tôi sửa đổi có tòa chuyên trách, vụ án của tỉnh sẽ do tòa chuyên trách sửa”, ông Bình nói.

Trả lời về đề xuất như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề cập “tất cả tranh chấp về đất đai giao tòa án xử”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết theo luật hiện hành, người dân có thể lựa chọn khiếu nại lên UBND hoặc kiện ra tòa. Do đó, nếu đưa hết ra tòa án sẽ hạn chế quyền của người dân trong việc lựa chọn hình thức xử lý.

“Nếu giải quyết tại UBND thì có lợi là UBND cấp dưới sai thì UBND cấp trên có thể sửa chữa ngay mà không cần đưa ra tòa, cái này rất tiện cho người dân. Trong xu thế hiện nay, không nên đưa hết việc này cho tòa án, đề nghị Quốc hội cân nhắc việc này”, ông Bình nhấn mạnh.

Năng lực của một số thẩm phán còn kém

Cũng chất vấn Chánh án, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) nói báo cáo nêu một trong những khó khăn trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế là do nhận thức giữa cơ quan tố tụng về một số vấn đề trong quy định pháp luật chưa thống nhất. “Vậy ngành có biện pháp gì giải quyết căn cơ vấn đề này?”, bà Hương đặt câu hỏi.

Tiêu điểm - Chánh án TAND Tối cao: Giải quyết án kinh tế, tham nhũng còn hạn chế (Hình 3).

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn An Giang (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận hạn chế trong giải quyết các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng là có thật. Theo ông, luật chỉ quy định nguyên tắc, không thể bao gồm tất cả vì thực tế cuộc sống phong phú nên nhận thức khác nhau là việc bình thường trong rất cả các vụ án, không chỉ hình sự.

Theo đó, tòa án có hướng dẫn về án lệ, ban hành nghị quyết hướng dẫn thi hành luật. Các cơ quan tố tụng khác như điều tra, kiểm sát, luật sư cũng phải nâng cao nguồn lực thực thi để nhận thức pháp luật đầy đủ, chính xác nhằm hạn chế việc nhận thức không đồng đều.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói, nguyên nhân là do áp lực công việc quá nhiều, một thẩm phán cùng lúc phải giải quyết số lượng công việc gấp đôi so với quy định nên ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án.

"Một nguyên nhân chủ quan khác là năng lực, trách nhiệm của một số thẩm phán còn kém", ông Bình nói, cho biết về cơ bản, việc giải quyết án quá hạn đã được khắc phục, mỗi năm chỉ còn dưới 200 vụ việc giải quyết bị quá hạn.