Chàng trai bị điếc đột ngột vì 2 thói quen xấu thường thấy ở người trẻ

Khi bị ù tai, Tiểu Trạch chỉ nghĩ rằng do mình mệt mỏi hoặc bị nước vào khi tắm gội, không ngờ đó lại là dấu hiệu của điếc đột ngột.

Tiểu Trạch năm nay 25 tuổi, làm việc trong một công ty truyền thông tại Hồ Nam, Trung Quốc. Có thân hình cường tráng, khám sức khỏe định kỳ không có gì bất thường nên anh không thể ngờ mình lại bị điếc đột ngột như vậy.

Mọi chuyện bắt đầu từ khoảng nửa tháng trước, vừa thức dậy Tiểu Trạch đã phát hiện mình bị ù tai bên phải. Sau khi dùng tay vỗ nhẹ vào tai không hết, anh cũng mặc kệ vì đơn giản cho rằng mình bị nước vào tai khi tắm gội. Một ngày trôi qua, chứng ù tai của anh có nhẹ đi một chút nhưng không biến mất dù đã dùng tăm bông vệ sinh kỹ.

Ngày thứ hai, cảm giác ù tai càng trở nên tồi tệ. Theo mô tả của Tiểu Trạch, lúc đầu nó chỉ giống như có dòng điện xẹt qua, nhưng sau đó thì anh luôn cảm thấy có âm thanh khó chịu. Không chỉ khiến anh khó nghe rõ mọi thứ xung quanh mà còn bức bối trong người, không thể ngủ ngon.

Sang đến sáng ngày thứ 3, Tiểu Trạch thức dậy trong trạng thái mệt mỏi, chóng mặt, tai luôn nghe tiếng côn trùng kêu. Khi đến công ty, anh bắt đầu hoảng hốt khi phát hiện ra tai phải của mình hoàn toàn không nghe thấy gì. Ngay cả khi đồng nghiệp thử nói sát vào tai để kiểm tra anh cũng không thể nghe thấy. Tai phải chỉ toàn những âm thanh lùng bùng, tiếng kêu râm ran của côn trùng như phát ra từ trong đầu mình vậy.

Ngay lập tức, Tiểu Trạch xin nghỉ làm buổi sáng và tự đi xe tới Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam (Hồ Nam, Trung Quốc) để kiểm tra. Sau khi khám lâm sàng và đo thính lực đơn âm, bác sĩ kết luận anh bị điếc đột ngột, cần nhập viện điều trị nếu không sẽ có khả năng không thể phục hồi chức năng nghe của tai phải.

2 thói quen xấu có thể gây điếc đột ngột

Bác sĩ Lưu Giang - Trưởng khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ của Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam là người trực tiếp khám, điều trị cho Tiểu Trạch. Ông cho biết, điếc đột ngột là một rối loạn tai mũi họng không hề hiếm gặp nhưng lại dễ bị xem nhẹ, phát hiện muộn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thính giác.

Điếc đột ngột chỉ tình trạng giảm sức nghe ít nhất 30 decibel ở ít nhất 3 tần số liên tiếp xảy ra trong vòng 72h. Điếc đột ngột thường xảy ra ở một bên tai, các dấu hiệu thường rõ ràng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy. Bệnh này có tỷ lệ mắc từ 5 - 27 trường hợp trên tổng số 100.000 người mỗi năm. Trước đây chủ yếu gặp ở người trung niên, cao tuổi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thanh niên dưới 30 tuổi bị điếc đột ngột ngày càng cao.

Bệnh này xảy ra khi có tổn thương tai trong, thần kinh thính giác hoặc trung tâm thính giác ở não. Tuy nhiên, chỉ 10 - 15% người bệnh điếc đột ngột phát hiện được nguyên nhân. Giải thích rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Lưu cho biết có 4 nhóm chính được phát hiện thông qua lâm sàng, bao gồm:

- Viêm: nhiễm trùng (virus, lao, giang mai…), tự miễn (hội chứng Cogan, xơ cứng rải rác…).

- Khối u: u thần kinh thính giác, u thân não…

- Mạch máu: nhồi máu, xuất huyết, co thắt mạch, phình tách động mạch.

- Chấn thương.

- Nhiễm độc: do thuốc (điều trị ung thư, lao…), chì.

Trường hợp của Tiểu Trạch không phải do viêm nhiễm, nhiễm độc, chấn thương hay khối u. Bệnh điếc đột ngột của anh xuất phát từ tổn thương về mạch máu. Sâu xa hơn, nó đến từ hai thói quen xấu ai cũng tưởng không liên quan mà nhiều người trẻ tuổi mắc phải, nhất là vào mùa đông.

Chàng trai bị điếc đột ngột vì 2 thói quen xấu thường thấy ở người trẻ - Ảnh 1.

Thức khuya lâu ngày có thể gây tổn thương mạch máu và điếc đột ngột (Ảnh minh họa)

Đầu tiên, giống như nhiều người trong độ tuổi hai mươi, Tiểu Trạch hay thức khuya đã nhiều năm. Đặc biệt, gần đây công việc cuối năm quá nhiều khiến anh đêm nào cũng phải thức đến ít nhất 1, 2 giờ sáng. Bác sĩ cho biết, thức khuya không chỉ khiến cơ thể yếu đi vì thiếu ngủ mà còn làm rối loạn đồng hồ sinh học, dễ sinh ra mất ngủ mãn tính. Bản thân việc thức khuya đã làm trạng thái thần kinh trở nên căng thẳng hơn, lại cộng thêm áp lực công việc khiến thần kinh kích thích gốc tự do tăng sinh nhiều hơn trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, nhất là ở não.

Lúc này, gốc tự do tấn công mạnh mẽ vào mạch máu não, gây tổn thương và hình thành các mảng xơ vữa, huyết khối. Điều này làm mạch máu bị hẹp dần, cản trở oxy lên não và gây chết tế bào ốc tai tiền đình, dẫn đến điếc đột ngột.

Thứ hai là do Tiểu Trạch không chú trọng đến giữ ấm trong khi thời tiết gần đây ngày càng trở lạnh. Anh nghĩ rằng mình còn trẻ, khỏe, lại muốn theo đuổi phong cách thời trang riêng nên mặc không đủ ấm khi ra ngoài. Đặc biệt là vùng cổ, tai và đầu.

Trong khi đó, bác sĩ Lưu giải thích rằng khi trời lạnh, các mạch máu co lại gây rối loạn sự vận chuyển của các mạch máu nuôi dưỡng vùng tai trong. Mà theo cấu tạo tai người, tai trong là nơi có ốc tai, từ đó hình thành nên các dây thần kinh nghe. Vì vậy, nếu không giữ ấm đủ sẽ khiến tai trong bị tổn thương, gây ra điếc hoặc giảm thính lực.

Chàng trai bị điếc đột ngột vì 2 thói quen xấu thường thấy ở người trẻ - Ảnh 2.

Hãy chú ý giữ ấm vào mùa đông để phòng tránh bệnh tật, bao gồm cả điếc đột ngột (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Lưu nhấn mạnh, điếc đột ngột là một cấp cứu nội khoa cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cụ thể là trong vòng 72 giờ đầu phát hiện bệnh mới có hiệu quả tốt nhất. Nếu không, có thể dẫn tới suy giảm hoặc mất thính lực vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, điếc đột ngột còn là một trong các triệu chứng của tổn thương thần kinh nặng có thể dẫn đến tử vong như nhồi máu/xuất huyết thân não.

May mắn là Tiểu Trạch đã không bỏ lỡ khoảng thời gian “72 giờ vàng” này. Nhờ vậy mà sau 14 ngày nhập viện điều trị, hiện tại thính giác của anh đã trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, tai phải vẫn còn bị ù tai nhẹ và cần theo dõi thêm.

Ông cũng hy vọng rằng trường hợp của Tiểu Trạch sẽ là bài học cho tất cả chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi đang có 2 thói quen xấu trên. Ông cũng nhắc nhở, nếu phát hiện có các triệu chứng của điếc đột ngột như giảm hoặc mất thính lực bất ngờ, ù tai, chóng mặt kết hợp với nghe kém… thì không nên tự can thiệp tại nhà. Thay vào đó hãy nhanh chóng tìm đến chuyên khoa Tai Mũi Họng để tránh làm tình trạng tồi tệ hơn hoặc bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất.